Dịch bệnh, giãn cách xã hội tạo cơ hội cho thương mại điện tử phát triển
Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân Hà Nội tăng 50%
Sở Công thương Hà Nội cho biết, qua 4 lần giãn cách, ngành Công thương vẫn đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt trong đợt giãn cách thứ 4, khi thành phố phân làm 3 vùng chống dịch, Sở Công thương đã xây dựng phương án cụ thể điều phối hàng hóa giữa 3 vùng, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển, lưu thông bình thường, không để thiếu hàng, tăng giá.
Không chỉ đảm bảo tiêu thụ nông sản cho các huyện của Hà Nội, Sở Công thương còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho 22 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội. Tính riêng 10 ngày qua, Hà Nội đã tiêu thụ trên 200 nghìn tấn nông sản, thủy hải sản của các tỉnh.
Cùng với tạo mọi điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường, Hà Nội cũng quan tâm xét nghiệm, tiêm vắc xin cho lao động trong hệ thống phân phối hàng hóa, đến nay đều được tiêm ít nhất 1 mũi.
Ngoài ra, Sở Công thương đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức bán hàng, nhất là thương mại điện tử. Theo thống kê, mức tiêu thụ trên thương mại điện tử tăng từ 30-50% so với những ngày bình thường.
Người dân Thủ đô thích nghi nhanh với hình thức mua sắm trực tuyến |
Chị Nguyễn Phương Hằng, chủ một cửa hàng trên phố Chùa Bộc cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân lo ngại dịch nên ít ra ngoài, lượng khách đến mua sắm sụt giảm nên chị đã chọn cách đóng tạm thời cửa hàng và chuyển bán online tại nhà.
Đa số các tiểu thương cho biết, mặc dù tạm dừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nhưng phòng, chống dịch mới là điều cần thiết lúc này, bởi đây cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng đặt hàng về tận nhà tăng đáng kể. Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart cho biết, mặc dù đã đóng cửa trang thương mại điện tử Lotte.vn nhưng hệ thống này vẫn bán hàng online qua ứng dụng Speed L. Ứng dụng này sẽ tận dụng mùa dịch để thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, để họ xuất hiện thói quen “lên mạng mua hàng” trước khi bước chân ra chợ hoặc siêu thị.
Nhấn mạnh về vai trò của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hiện việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh đã phổ biến, nên bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng thương mại điện tử sẽ là xu hướng tất yếu.
Thương mại điện tử sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối "các nhà" thông qua thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển
Có thể thấy, sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao. Việc mua sắm trực tuyến còn giúp khách hàng hạn chế đến những nơi đông đúc nhưng vẫn mua được những mặt hàng ưa thích khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên văn phòng tại Đống Đa cho hay, việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng dễ dàng và thuận tiện khi mua sắm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như thế này. Với các ứng dụng trực tuyến như Momo, Airpay, Vnpay, Grab… chỉ cần ngồi nhà là có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa mà không phải ra đường.
Dịch bệnh, giãn cách xã hội tạo cơ hội cho thương mại điên tử phát triển |
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Sở Công thương sẽ tham mưu, ban hành tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh; Hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo sản xuất an toàn; Nắm bắt đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với thành phố và Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, như vốn, thuế, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, giảm hàng tồn kho...
Khi tình hình dịch được kiểm soát, Sở sẽ tham mưu Thành phố cho triển khai các đợt kích cầu thương mại, giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thị sản phẩm, nhất là các làng nghề...
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp, tiểu thương ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.