Dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát ở 4 tỉnh, thành phố
Các địa phương duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch cúm gia cầm
Bài liên quan
Hà Nội chủ động các phương án ứng phó với dịch cúm gia cầm
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm khi virus Corona đang hoành hành
Hà Nội chủ động phương án phòng chống dịch cúm gia cầm
Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi
Nguy cơ dịch bệnh lây lan cao
Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện cả nước có 8 ổ dịch cúm gia cầm H5N6, buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Tại Hà Nội, ổ dịch cúm A/H5N6 đã được ghi nhận xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi vịt tại thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) từ ngày 4/2, sau khi các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6.
Cụ thể, ngày 3/2, gia cầm tại một hộ chăn nuôi ở thôn Phú Vinh, có hiện tượng ăn ít, sốt cao, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Trong 2.397 con đã chết 385 con. Ngay lập tức, cán bộ thú y xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N6.
Các địa phương duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch cúm gia cầm |
Qua rà soát ngay sau đó, lực lượng cán bộ thú y huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội phát hiện thêm 3 hộ gia đình khác gần với gia đình có gia cầm đã chết cũng biểu hiện ủ bệnh. Ngay lập tức, toàn bộ hơn 6.800 con vịt của 4 gia đình này đã bị xử lý tiêu hủy, chôn lấp tại chỗ.
Ngoài tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm bị bệnh, tiêu độc khử trùng theo quy định, cơ quan Thú y cùng với chính quyền địa phương đã lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn, cho bao vây đàn gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa với tổng số trên 300.000 con.
Tại Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng xuất hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên (huyện Đầm Hà). Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ là 3.000 con.
Tỉnh Thanh Hóa có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã thuộc ha huyện Nông Cống và Quảng Xương buộc phải tiêu hủy hơn 20.000 con gia cầm.
Tỉnh Nghệ An cũng có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã thuộc hai huyện, buộc phải tiêu hủy 344 con gia cầm.
Nhanh chóng triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh
Theo Cục Thú y, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới Corona (nCoV) gây ra.
Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.
Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Cục đã yêu cầu các chi cục thú y vùng lập đoàn công tác đến các địa phương đang có ổ dịch cúm gia cầm cũng như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng. Các địa phương có ổ dịch cũ và địa phương có nguy cơ cao để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các chi cục thú y vùng phải bố trí cán bộ trực, xét nghiệm và nguyên vật liệu xét nghiệm các loại dịch bệnh, đảm bảo việc xét nghiệm kịp thời, chính xác để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
“Những đàn gia cầm chưa bị nhiễm cúm mà đã được tiêm vắc xin cúm đề nghị theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng cần lấy mẫu xét nghiệm ngay để có biện pháp xử lý kịp thời; Nghiêm cấm các hộ chăn nuôi thuộc vùng dịch cúm gia cầm không được bán đổ, bán tháo đàn gia cầm khi chưa hết thời gian cách ly, theo dõi; Không thực hiện tái đàn khi chưa công bố hết dịch”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Các địa phương duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch cúm gia cầm |
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút.
Để ngăn chặn ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vắc xin để tiêm phòng bao vây các đàn xung quanh và tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 31 triệu con gia cầm của trên 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai tới các quận, huyện thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn thành phố. Đồng thời, chi cục khuyến cáo người chăn nuôi với thời tiết cực đoan, lạnh, mưa phùn ẩm ướt kéo dài là điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại nên nguy cơ bùng phát bệnh cúm gia cầm H5N6 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chỉ đạo địa phương duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và an toàn thực phẩm cũng như hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra, vào thành phố.