Diện mạo vùng quê Nông thôn mới ngày càng khởi sắc
Hà Nội dẫn đầu cả nước trong xây dựng Nông thôn mới
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII, tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) sáp nhập về với Thủ đô. Với 386 xã, Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới lớn nhất của cả nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội đã luôn xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị.
Nhằm cụ thể hoá Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Trung ương, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.
Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao |
Nhìn lại chặng đường 15 năm đã qua, thành phố Hà Nội đã huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư cho việc xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là các công trình hạ tầng, làm đổi thay nhanh chóng diện mạo nông thôn.
Chỉ tính riêng chương trình xây dựng Nông thôn mới từ năm 2021 đến nay, thành phố đã huy động được hơn 46 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hóa hình thức xã hội hóa, khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2022, khu vực nông thôn Hà Nội chỉ còn 0,17% hộ nghèo. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; 85% hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch...
Đánh giá về công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Đến thời điểm hiện nay, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Cảnh quan khu vực nông thôn cũng được người dân quan tâm, gìn giữ |
Đối với cấp huyện, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 3 huyện còn lại chưa đạt là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định Nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định đạt chuẩn Nông thôn mới.
Cùng với số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Kết quả đạt được, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong xây dựng Nông thôn mới.
Tầm vóc mới, bản lĩnh mới
Là một trong số những địa phương được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, xã Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) được đánh giá là có nhiều đổi thay rõ nét trong công tác xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Người dân phát quang cây cỏ và trồng hoa ven đường tại huyện Quốc Oai |
Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Long cho biết: Năm 2008, xã Yên Trung được tách ra từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và nhập vào huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội). Trước khi về Thủ đô, Yên Trung vẫn còn thôn Hương chưa có điện lưới, giao thông các ngõ xóm chủ yếu là đường đất. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của thành phố và huyện Thạch Thất cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương, năm 2018, Yên Trung hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, hạ tầng khang trang, sạch đẹp.
Phát huy lợi thế địa hình đồi, núi thoáng, rộng, nhiều hộ dân ở Yên Trung đã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Toàn xã có khoảng 1.000 người có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Quang Tiến (tỉnh Hòa Bình), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất); Khoảng 50 lao động nữ làm công nhân vệ sinh môi trường ở nội thành, được ô tô của các công ty đón và trả về trong ngày.
Cũng giống như xã Yên Trung, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng có xuất phát điểm là một trong những địa phương từng gặp nhiều khó khăn trước khi sáp nhập. Thế nhưng, Tiến Xuân hôm nay đã khác xưa. Chẳng khó để thấy đó là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ và khang trang.
Cơ sở vật chất tại các trường học tại các huyện ngoại thành đang ngày càng được đầu tư, hoàn thiện |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết: Tiến Xuân hôm nay đã có những đổi thay tích cực, xã được thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, hiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện.
Hiện, Tiến Xuân đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại, phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi). Đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng...
Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ thành phố đến cơ sở, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực theo nếp sống văn minh, tỷ lệ hỏa táng ngày một cao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy |
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế để năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 100% huyện, xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 20% huyện và 40% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…
Đồng thời, thành phố Hà Nội cần tiếp tục xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; Bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.