Định vị, lan tỏa giá trị từ làng nghề truyền thống
Tinh hoa làng nghề qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề Người giữ lửa và tiếp nối tinh hoa làng nghề đúc đồng |
Đến dự buổi lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; đại diện một số tổ chức quốc tế và các nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 |
Nhấn mạnh thông điệp “Cùng nhau, chúng ta nâng niu giá trị Việt - Cùng nhau, chúng ta nâng tầm làng nghề Việt - Cùng nhau, chúng ta kết nối tinh hoa Việt”, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Festival |
“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, làng nghề; lan tỏa những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng; cùng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng sống của cộng đồng người dân nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đóng góp lớn từ những làng nghề
Thủ đô Hà Nội được xem là "cái nôi" của cả nước khi có đến hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống. Hiện, toàn TP có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã |
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ban hành quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến 2025, tầm nhìn đến 2030; đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô hiện nay.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng Bộ NN&PTNT thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề và làng nghề Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nghề nông thôn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại festival |
Các làng nghề của Hà Nội hoạt động trong đa dạng lĩnh vực. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chế biến. Tiếp đến là các làng nghề bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn...
Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số nhóm sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: May mặc, gốm sứ, dệt và thêu, ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng...
Quảng bá, giới thiệu làng nghề Hà Nội
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm là vấn đề được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Thủ đô thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội... để tôn vinh các sản phẩm làng nghề.
Nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống nổi tiếng xuất hiện tại Festival |
Mới đây nhất, vào tháng 10/2023, Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023 cũng đã được Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức thành công. Hội thi đã tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề. Cùng với đó, các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Một số hoạt động chính tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát triển làng nghề"; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023. |
Tiếp nối các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, từ ngày 9 - 12/11/2023, Festival sẽ triển khai nhiều hoạt động, trong đó trọng tâm là lễ vinh danh 100 nghệ nhân, thợ giỏi; hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề đến từ 42 tỉnh, TP và nhiều quốc gia trên thế giới như: Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga...
Trước đó, tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kỳ vọng Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất - kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.
"Hà Nội cũng mong muốn Festival sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung", ông Tạ Văn Tường chia sẻ.
Năm nay, không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội có sự đầu tư, đa dạng về ngành nghề |
Trong khuôn khổ lễ khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Ban Tổ chức đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Vượt qua hơn 400 tác phẩm gửi dự thi, 45 tác phẩm xuất sắc nhất đã được chọn lựa để trao giải. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các sản phẩm đạt giải năm nay có nhiều ý tưởng mới, không sao chép; mang tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, có công dụng rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng. Các sản phẩm cũng mang giá trị tính truyền thống (nguyên liệu, tay nghề, văn hóa...), phù hợp với cuộc sống hiện nay. Nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường (từ nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng), bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Nhiều tác phẩm của làng nghề ở Hà Nội đoạt giải cao tại hội thi |
Đại biểu chụp hình cùng các tác giả đoạt giải A |
Các tác giả đoạt giải B |
Các tác giả đoạt giải C |
Ban Tổ chức vinh danh các tác giả đoạt giải D |