Đoạn trường làm hồ sơ mua nhà xã hội
Mặc dù nhà ở xã hội (NƠXH) được mở rộng cho nhiều đối tượng như lao động tự do, công nhân..., nhưng người dân vẫn khó tiếp cận vì thủ tục rắc rối. Nhiều người thu nhập thấp đành bỏ lỡ cơ hội mua nhà do quá trình làm hồ sơ quá đoạn trường.
Thủ tục hồ sơ nhiều “cửa” khiến giấc mơ mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp khép lại (ảnh khu nhà ở xã hội Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).
Cả tháng không xin được xác nhận “không nhà”
Chị Chu Thị Kim Liên và gia đình không có hộ khẩu ở Hà Nội và đang sống nhờ tại nhà một người quen tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi nghe tin có dự án NƠXH tại Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chuẩn bị mở bán, chị tìm hiểu để hoàn thành thủ tục phải có: Giấy xác nhận chưa có nhà ở tại phường, xác nhận đối tượng ở cơ quan, xác nhận thu nhập... Tuy nhiên, mất cả tháng trời làm hồ sơ, chị Liên vẫn không xin được xác nhận chưa có nhà ở trên địa bàn phường chị tạm trú. Chị Liên chia sẻ: “Sau khi cán bộ phường xác minh, kết quả trong đơn ghi: Không phải chủ sở hữu ngôi nhà đang ở. Khi mẫu xác nhận đem nộp chủ đầu tư không được chấp nhận vì bắt buộc phải có đại diện phường xác nhận không có nhà ở trên địa bàn”.
Chị Liên đem hồ sơ quay lại phường Định Công xin xác nhận lại, UBND phường nhất định không thực hiện. “Cán bộ phường cho rằng, xác nhận như thế nghĩa là không có nhà ở; chủ đầu tư lại nói, không phải chủ sở hữu nhà đó có thể là chủ sở hữu của nhà khác. Chỉ có người dân chịu thiệt”, chị Liên nói.
Cuộc giằng co giữa phường và chủ đầu tư về mẫu đơn trên không biết bao giờ ngã ngũ, chị Liên đành phải bỏ cuộc và tạm biệt giấc mơ NƠXH.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch phường Định Công cho rằng, việc xác nhận đối tượng không có nhà ở trên địa bàn phường rất khó khăn. “Hiện, phía phường chỉ nhận được công văn hướng dẫn của Sở Xây dựng về xác nhận chưa có nhà ở trên địa bàn để đối tượng mua NƠXH và vay gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở thương mại. Chứ khó khẳng định có nhà hay không. Bởi vì có 2 loại đối tượng: Thường trú có hộ khẩu và tạm trú KT3. Chúng tôi cho người xác minh qua tổ trưởng dân phố nhưng thực sự cũng không nắm rõ được. Có thể họ không có nhà trên tổ dân phố này, nhưng lại có nhà trên tổ dân phố khác. Tôi cho rằng, người dân nên tự khai và tự chịu trách nhiệm về việc chưa có nhà ở. Nếu làm sai, sau này cơ quan quản lý nhà nước xử lý”.
Anh Nguyễn Hiếu có hộ khẩu thường trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng điêu đứng vì xác nhận của phường. Anh Hiếu cho biết: “Hiện gia đình tôi đang phải đi thuê nhà. Sau khi phường cho người kiểm tra thông tin mất 10 ngày, mẫu đơn nhận được ghi: Không có nhà nhưng đối tượng không ở trên địa bàn phường và phải được phường thuê nhà xác nhận tiếp”.
Mẫu đơn của anh Hiếu không được chủ đầu tư chấp nhận. Anh Hiếu bức xúc: “Theo quy định, việc xác nhận không có nhà trên địa bàn có hộ khẩu và không cần phường nơi thuê nhà xác minh. Phường “hành dân” làm lỡ mất cơ hội mua nhà của gia đình tôi”.
Việc khổ sở trong quá trình làm hồ sơ mua NƠXH được nhiều khách hàng chia sẻ trên diễn đàn mạng. Trang webtretho.com.vn có cả một chủ đề để các mẹ, các chị vào chia sẻ. Nickname “Bố cu Bin” đăng: “Các mẹ xuống phường không lại quả cho nhân viên một cửa, hồ sơ còn ngâm đến cả tháng. Nếu không vì thiếu tiền mua nhà thương mại, mình đâu phải chạy vạy khắp nơi chuẩn bị hồ sơ làm gì”.
Trục lợi từ chính sách nhà nước?
Theo quy định hiện hành, người mua NƠXH phải cần qua hai “cửa” chính. Thứ nhất, phải qua cửa tại chính quyền địa phương, để xác nhận chưa có nhà ở hoặc có nhà ở, nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8m2 sàn/người. Hoặc là nhà ở của người muốn mua tạm bợ, hư hỏng, dột nát mà chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức. Thứ hai, phải qua “cửa” cơ quan nơi làm việc, để xác nhận thu nhập có mức bình quân hằng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân (từ thu nhập thường xuyên).
Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai NƠXH, người dân gặp nhiều vướng mắc trong việc xin xác nhận ở địa phương. Tại nhiều nơi, chính quyền phường, xã không dám xác nhận bởi, “biết đâu ở phường này không có nhà, nhưng ở nơi khác nhà to đẹp”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu thủ tục tạo điều kiện tối đa cho người dân về các thủ tục, hồ sơ giấy tờ để họ có thể nhanh chóng có nhà ở. Theo ông Nam, cán bộ, viên chức chỉ cần dấu xác nhận của cơ quan, còn đối với người lao động thuộc khu vực tư nhân chỉ cần con dấu của địa phương.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, nhiều người dân rất vất vả xin xác nhận tại phường nhưng không ít người dễ dàng xin được xác nhận đó.
Thế mới có tình trạng dưới chân khu NƠXH có nhiều xe sang như: Lexus, BMW...
“Chính sách nhà cho người nghèo tốt, nhưng có người đã lợi dụng sự ưu đãi cho người nghèo để trục lợi; cũng như những cá nhân, đơn vị đã không làm đúng trách nhiệm trong xét duyệt, thẩm định và quản lý NƠXH. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như công an, liên quan đến quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng cũng hoàn toàn có thể biết được những người đó là ai và tại sao không ở nữa. Nếu làm triệt để, có thể giải quyết được, còn cứ tiếp tục thế này sẽ còn có những người tiếp tục lợi dụng các chính sách của nhà nước”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thăm dự án NƠXH tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nói: “Hiện, nhu cầu NƠXH tại đô thị ngày một lớn, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, không ít người lợi dụng chính sách chen chân mua NƠXH. Tình trạng xe sang ở khu NƠXH là không ổn. Chúng ta phải quản lý chặt chẽ để NƠXH đến tay đúng đối tượng”. Không biết phát biểu xong, ông Tuấn có “ra tay” xử lý vấn đề này? |
Theo Quyết định 34 của UBND TP Hà Nội (16/8/2010), giấy xác nhận về hộ khẩu và thực trạng chỗ ở UBND cấp phường xác nhận. Đối với các trường hợp có nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp (phải là đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các quận và đối tượng hưởng lương ngân sách có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các huyện. Trường hợp đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, nếu chưa có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú thì phải có xác nhận của đơn vị nơi người đó đang công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng về nhà ở. |
Theo Tiền Phong