Doanh nghiệp lao đao vì hồ tiêu xuất khẩu bị phân “luồng vàng”
Doanh nghiệp hồ tiêu nguy cơ phá sản, mất thị trường vì chi phí logistics tăng cao |
Gặp khó vì bị phân vào “luồng vàng”
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan về việc loại mặt hàng hồ tiêu đen ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lý rủi ro.
Trước đó, VPA đã gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan thông tin về việc một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phản ánh phân luồng tờ khai kiểm tra đối với mặt hàng tiêu đen xuất khẩu.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, tỷ lệ tờ khai “luồng vàng” đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Điều này đã gia tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp và tiềm ẩn rủi ro phơi nhiễm Covid-19 trong quá trình đi lại để xử lỷ thông quan tờ khai.
Trước phản ánh của VPA và các doanh nghiệp, ngày 21/7, Tổng cục Hải quan phản hồi rằng, mặt hàng hồ tiêu hiện nằm trong danh mục hàng xuất khẩu có điều kiện, cơ quan Hải quan phải thực hiện phân luồng kiểm tra theo văn bản quản lý chuyên ngành.
Trường hợp xác định doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc theo Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BYT của Bộ Y tế thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo VPA, hồ tiêu là 1 trong 13 mặt hàng chủ lực có trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia theo Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hơn nữa, mặt hàng hồ tiêu đen xuất khẩu hiện nay là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu.
Hồ tiêu là nông sản xuất khẩu chủ lực nhưng bị phân luồng vàng và vào danh mục xuất khẩu có điều kiện |
Mặc dù hồ tiêu được sử dụng như dược liệu, nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược trong khi từ trước tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được.
Hồ tiêu đen được dùng làm dược liệu hiện tại chỉ sử dụng ở trong Việt Nam qua các bài thuốc y học cổ truyền và chiếm tỷ lệ cực kỳ nhỏ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản.
Trước vấn đề trên, VPA đề nghị Bộ Y tế xem xét bỏ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lý rủi ro trong việc phân luồng kiểm tra của hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong trường hợp yêu cầu của doanh nghiệp không được xem xét, VPA đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể thủ tục chứng từ trong việc xác nhận hồ tiêu xuất khẩu của họ không nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc để doanh nghiệp nộp về cơ quan Hải quan như được hướng dẫn.
Nguy cơ mất đối tác nhập khẩu
Theo Bộ Công thương, do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và giá cước phí vận chuyển quá cao, sức mua của doanh nghiệp hạn chế, hàng tồn kho ở mức cao, lượng hồ tiêu trong dân còn khá nhiều. Điều này khiến giá thu mua trong nước giảm, mức giá đã giảm từ 1,3-3,4% (tính từ ngày 30/6-19/7).
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 33,15 nghìn tấn, trị giá 118,7 triệu USD, tăng 18,6% về lượng và tăng 23,8% về trị giá so với tháng 5/2021, so với tháng 6/2020 tăng 64,3% về lượng và tăng 154,1% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 154 nghìn tấn, trị giá 496,84 triệu USD.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam khá thuận lợi trong tháng 6/2021, tuy nhiên diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
Đặc biệt, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hồ tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Campuchia...
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã chuyển hướng nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với Việt Nam. Trong khi đó, chi phí vận chuyển từ Brazil đến Mỹ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU. Nếu cứ tiếp tục như vậy, nông sản Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chấp nhận tất cả rủi ro nhằm cố gắng giữ chân hai thị trường quan trọng này bằng cách cố gắng hạ tối đa lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, việc tăng giá cước phi mã, không có chiều hướng giảm thế này khiến các doanh nghiệp bị bào mòn, teo tóp dần và chắc chắn không thể trụ được thêm. Đặc biệt, hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) bị kiệt quệ tài chính nên việc đứng trước nguy cơ phải phá sản, giải thể doanh nghiệp là rất cao.