Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể
"Cú hích" cho các hợp tác xã
Để chuyển đổi số trong công tác quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch số 716/KH-UBND ngày 28/10/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng phần mềm quản lý Chương trình OCOP để phục vụ công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm và đồng thời có thêm tính năng liên kết giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; Tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với sàn thương mại điện tử voso.vn và postmar.vn.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành chính sách để hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP theo điều 33 Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND.
Các đại biểu tham quan các gian hàng tại phiên chợ nông sản an toàn tỉnh Bắc Ninh |
Việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở các hợp tác xã tại Bắc Ninh đã được thực hiện hiệu quả, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Ninh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hỗ trợ giúp hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị, đến nay có trên 30 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), VietGAP…gắn với truy xuất nguồn gốc.
Theo thống kê, hiện có khoảng 17% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh), tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc…
Ngoài ra, 30% hợp tác xã sử dụng máy tính; 8% hợp tác xã ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường) nhưng cũng chỉ có khoảng gần 30% hợp tác xã có máy tính kết nối Internet.
Đưa đặc sản Kinh Bắc lên "sàn"
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Công Thương đưa được hơn 20 sản phẩm của các hợp tác xã lên sàn giao dịch điện tử, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Cụ thể như gạo tẻ thơm Quế Võ của Hợp tác xã nông sản an toàn Đại Xuân; gạo nếp nhung Tam Sơn (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thôn Tam Sơn), rau, củ, quả hành tỏi (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Trụ) , dưa chuột (Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn Liên Ấp), bánh gio, bánh cuốn, phở khô, bún khô (Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Khương Huy), gạo nếp cái Hoa vàng (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Lân)…
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp Khương Huy (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành) |
Được thành lập từ năm 2010, cơ sở sản xuất bún Khương Huy từ quy mô ban đầu theo hộ gia đình với sản phẩm chính là bún tươi truyền thống, cung cấp cho người dân trong khu vực lân cận. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điểm khác biệt cho sản phẩm của mình với sản phẩm bún truyền thống khác, ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Khương Huy (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã tìm tòi và thử nghiệm đóng túi hút chân không sản phẩm.
Cũng từ đây, ông Khương đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bún tươi Khương Huy với đầy đủ hồ sơ pháp lý để đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Từ một sản phẩm ban đầu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đến nay, Công ty Khương Huy đã có gần 10 sản phẩm chế biến từ gạo, gồm: bún tươi, bánh phở tươi, bún khô, mỳ khô, bánh cuốn, bánh chưng, bánh tro…
Thời gian vừa qua, các sản phẩm bún, bánh của HTX Khương Huy được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, thu hút một lượng khách hàng lớn. Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, HTX Khương Huy đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Tương tự như trường hợp của HTX Khương Huy, đa số các chủ thể OCOP ở Bắc Ninh hiện nay rất năng động, họ tìm hiểu, nghiên cứu rất nhanh và tích cực tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, từ đó mở ra một kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, bảo đảm vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bắc Ninh phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao; có 20% chủ thể OCOP trở lên là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; ít nhất có 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…)