Đồng Lộc - Nối dài niềm "đợi"
Đã bao lần sen nở. Từng ấy lần thu sang. Đông chìm sau kẽ lá. Đợi, nhuộm màu tóc xanh. Đợi, hạnh phúc mong manh. Nhưng sao lòng da diết. “Đợi” sao xa vời vợi. Thầm cả đời ngóng trông.
Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc |
Tôi thực sự rung cảm trước tấm chân tình tha thiết của nhà thơ Bùi Quảng Bạ. Chỉ một từ “Đợi” thôi mà gói trọn bao nỗi niềm người ở lại. Không nghệ thuật kiểu cách, không chau chuốt ngôn từ, “Đợi” nhẹ nhàng xuất hiện như quy luật bất di bất dịch của đất trời, như “Mặt trời lên rồi lặn”. Dường như, niềm “Đợi” ấy cứ từ từ, chầm chậm chảy trôi theo dòng thời gian.
“Đợi em một ngày dài
Mặt trời lên rồi lặn
Tôi gom từng sợi nắng
Làm ngọn đèn chong đêm.
Đợi em một mùa sen
Trắng đầm hoa mong đợi
Tôi gom hương đồng nội
Trải vào giấc mơ khuya.
Đợi em qua mùa mưa
Đợi em sang mùa nắng
Nhặt thời gian yên lặng
Nối dài những thương đau.
Tìm em, em nơi đâu
Đời cạn dần tuổi tác
Em đã thành nốt nhạc
Mãi ngân dài trong tôi”.
(Đồng Lộc, 2018)
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: Huy Tùng) |
Đợi em một ngày, đợi em một mùa, đợi em một năm và đợi em cả đời. Chỉ 4 khổ thơ, nhưng chữ “Đợi” được lặp đi lặp lại tới 5 lần. Hẳn tác giả có dụng ý chăng? Và cũng thật lạ, trong 5 từ “đợi” có tới 4 từ gọi thẳng tên hành động “Đợi em”.
Em là ai, là cô gái, hay nàng tiên mà sức hút đủ lưu luyến chiếm trọn tình tác giả? Em không thầm thì, không lời nhắn nhủ như người lính Nga thuở nào trong “Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé…” và “Chẳng mong chi ngày về/ thì em ơi cứ đợi”, mà sao tác giả lại nguyện trọn đời đợi em? Đợi ngày, đợi đêm, đợi tháng, đợi mùa, đợi năm.
Niềm đợi ấy âm thầm, nhưng chất chứa những day dứt, khắc khoải, mong mỏi khôn nguôi. Nhân vật “em” là tình đầu của tác giả chăng? Tình đầu không thành, để lại nỗi đau chảy dài theo thời gian, song hành cùng tuổi tác chăng?…
Bao câu hỏi, bao thắc mắc, để rồi vỡ oà một sự thật, sự thật về những cô gái tại ngã ba Đồng Lộc, mãi mãi ghi dấu tuổi hai mươi. Ý nghĩa của “Đợi”, sức nặng của “Đợi” nằm ở hai từ tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với tứ thơ - “Đồng Lộc”.
Có thể nói, đây chính là sự tinh tế và độc đáo của tác giả. “Đồng Lộc” xuất hiện với tư cách một địa danh, song lại gợi mở đa chiều tâm trạng. Phải chăng là vậy, nên niềm “Đợi” ấy thật lắng sâu. Không đơn thuần là nỗi nhớ mong mà còn là niềm đau chiến tranh, là niềm tự hào, là cảm giác trân trọng.
Hố bom chứng tích chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc |
Hai từ “Đồng Lộc” đưa ta về một thời đạn bom, về nơi, 10 cô gái thanh niên xung phong “Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu” đã để lại tuổi xuân với đất trời vào ngày cuối tháng 7 rực lửa. “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang” (Lời thỉnh cầu từ nghĩa trang - Vương Trọng).
Thoang thoảng hương Bồ kết. Văng vẳng trong hư không tiếng gọi “Cúc ơi”. “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp/… Em ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm, cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cổ cả rồi/ Cúc ơi…” (Yến Thanh). Và câu chuyện về 10 cô gái, mười nữ liệt sĩ anh hùng chưa bao giờ có hồi kết. Nỗi đau chiến tranh vẫn nối dài theo năm tháng. Để lại bao cảm xúc “Đợi em”.
Đợi em qua mùa mưa
Đợi em sang mùa nắng
Nhặt thời gian yên lặng
Nối dài những thương đau.
Nếu như khổ thơ trên, tác giả dùng từ “gom”, thì ở khổ thơ này, tác giả khéo léo đặt từ “nhặt” như chứa đựng cả nỗi niềm nâng niu, trân trọng. Gom nắng, gom hương, chắt chiu giọt thời gian để “đợi em”, hướng về em. Dường như, trạng thái đợi song hành trong từng hành động, suy nghĩ của tác giả.
Tìm em, em nơi đâu
Đời cạn dần tuổi tác
Em đã thành nốt nhạc
Mãi ngân dài trong tôi.
Bằng hình thức của lời tự sự mộc mạc, với ngôn từ giản dị mà sâu lắng, tác giả đề cập đến một triết lý nhân sinh hiện hữu. “Đời cạn dần tuổi tác”. Sự thật rõ ràng không thể phủ nhận. Đời người có hạn. Tuổi đời đang dần “cạn”. Đặc biệt, tác giả dùng ngôn ngữ rất bình dân “tuổi tác” như muốn giảm nhẹ, dịu bớt cái vô tình của thời gian. Thời gian sẽ xoá mờ tất cả, cuốn trôi tất cả. Song với tác giả, “em”, cảm xúc “đợi em” sẽ chẳng bao giờ “cạn”, chẳng bao giờ vơi. Niềm “đợi” ấy đã nhập trong tâm hồn tác giả, ngân mãi, vang mãi với Đồng Lộc trong tim.
Em đã thành nốt nhạc
Mãi ngân dài trong tôi.