"Du học tuổi 16"- Hành trình đầy chông gai nhưng vô cùng thú vị trên đất Mỹ
Người Mỹ không dạy con em mình theo kiểu đọc chép, thầy đọc trò ghi, trò chỉ nhắc lại những gì thầy đã nói trên bục giảng. Người Mỹ rất cụ thể, thiết thực. Họ biến giờ học thành buổi thảo luận. Thầy đưa ra một chủ đề cho học sinh luận bàn. Không ít buổi thảo luận trở thành tranh luận. Rồi thầy kết luận. Cũng có vấn đề thầy không kết luận mà chỉ hướng cho học sinh cùng nghĩ tiếp rồi tự kết luận. Nhờ đó, buổi học rất thú vị và học sinh tự tin hơn.
Bắt đầu đi du học từ năm 16 tuổi, cô gái trẻ Vi Trịnh đến từ Hà Nội đã có một hành trình đầy chông gai nhưng vô cùng thú vị trên đất Mỹ. Hành trình đó giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều, không còn là một “tiểu thư” sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Cuốn sách “Du học Mỹ tuổi 16” do Saigon Books và NXB Hồng Đức ấn hành, sẽ gửi đến bạn đọc một cách chân thực và sống động về hành trình đó.
Vi Trịnh tên thật là Trịnh Thị Huyền Vi, sinh năm 1999 tại Hà Nội. Trước khi sang Mỹ, Vi Trịnh là học sinh trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Khác với nhiều bạn trẻ thường chọn du học tại những ngôi trường danh tiếng nơi thành phố sầm uất, Vi Trịnh lại chọn Steamboat Mountain School - một ngôi trường trung học ở thị trấn nhỏ Steamboat Springs của bang Colorado. Chính lựa chọn này giúp Vi Trịnh có những ngày thanh xuân thật ý nghĩa và khác biệt.
“Du học tuổi 16” như một tập nhật ký, dù Vi Trịnh không ghi ngày tháng. Từ cuốn sách này, bạn đọc sẽ biết được cuộc sống hằng ngày của Vi. Những buổi học trong lớp. Những ngày học ngoài trời. Những buổi đi thuyền dọc sông khám phá trải nghiệm. Chuyện tập làm gốm, dọn vệ sinh trường học hay những món ăn ngon,... Tất cả những câu chuyện ấy đều cho bạn đọc biết một sự thật. Sự thật là học ở Mỹ không hề nhàn tản, thoải mái và không có gì áp lực như nhiều người nhầm tưởng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Quyển sách của Vi Trịnh cho chúng ta rất nhiều thông tin với cái nhìn của người trong cuộc. Đây cũng là quyển sách rất có ích đối với những ai muốn khám phá, tìm hiểu nền giáo dục Mỹ, ở bậc phổ thông, đặc biệt thiết thực hơn, là các em ở lứa tuổi học trò, đang ấp ủ ước mơ du học Mỹ”.
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong cuốn sách này chính là sự lớn lên và trưởng thành của Vi Trịnh sau thời gian học tập và sinh sống tại Mỹ. Vi tự nhận mình: “học lực bình thường, sức khỏe yếu, gia đình bình thường, tiếng Anh bình thường”. Thế nhưng từ một cô gái “cái gì cũng bình thường”, trải qua thời gian du học tại Mỹ đã khiến Vi Trịnh thay đổi một cách ngạc nhiên. Vi Trịnh chia sẻ: “Ở Mỹ, tôi được dạy là tôi luôn phải cố gắng, cố gắng để tìm ra con đường của mình vì tôi còn trẻ và người trẻ nào thì cũng lạc lối, vấp ngã rất nhiều lần”.
Bất cứ sự trưởng thành nào cũng phải trả giá và Vi Trịnh không nằm ngoài quy luật ấy. Cái giá mà cô gái 16 tuổi phải trả không chỉ là sự xa cách, nhớ nhung đối với gia đình mà còn là việc thích nghi với môi trường sống hoàn toàn khác biệt so với trước đây.
Nhìn vào “Thời khóa biểu kiểu Mỹ”, chắc hẳn sẽ có không ít người e ngại. Ở đó Vi cùng bạn bè có một lịch trình dày đặc từ sáng đến tối, bắt đầu từ 7 giờ - là 7 giờ chứ không phải 9 hay 10 hay 11 giờ như các bạn khác đi du học. Kể từ lúc ấy, cô cùng bạn bè lao đầu vào học và dọn vệ sinh từ trường đến ký túc xá đến nhà bếp; ai đi muộn hoặc không hoàn thành công việc sẽ phải nhận về hình phạt bằng cách trừ điểm và buộc phải dọn cả trường. “Lịch trình dày đặc đến mức chúng tôi không có thời gian để mà thở”, Vi Trịnh cảm thán.
Không ít người cho rằng “Ở Mỹ học rất dễ, dễ hơn ở Việt Nam”, nhưng theo Vi Trịnh, đó là một lầm tưởng không nhỏ. Bởi vì lịch học ở Việt Nam có thể căng thẳng, dày đặc đến cỡ nào thì học sinh Việt Nam vẫn có thể theo dõi một bộ phim Hàn Quốc từ 16 đến 20 tập, vẫn có thời gian ngồi hàng net chơi điện tử, đi cà phê, mua sắm với bạn bè…
Còn ở Mỹ không như vậy! Trường nội trú ở Mỹ là một trại huấn luyện, huấn luyện một con người hoàn thiện trước khi con người ấy vào đời. Vậy nên, học sinh Mỹ luôn luôn phải đối diện với rất nhiều áp lực. “Học hay thi hay làm bất cứ thứ gì ở Mỹ đều như là đánh một trận chiến mà ai cũng hiếu thắng vậy. Áp lực và nhiệt độ như một cái lò nung. Nhưng không nung thì đất sét mãi chỉ là đất sét”, Vi Trịnh cho biết.
Các hoạt động ngoại khóa mà Vi Trịnh trải qua cũng khốc liệt không kém. Vốn là một cô gái thấp bé còi xương, không bao giờ chịu hoạt động thể thao, sở đoản và sở ghét là thể dục; tuy nhiên, điều đó không giúp Vi Trịnh có được ngoại lệ. Vi vẫn phải tham gia vào bộ môn trượt tuyết và hậu quả nhãn tiền là cô bị ngã đập đầu xuống đất, bị thanh trượt bật vào đầu. Tai nạn đó khiến Vi bị chấn động não đến mức không còn nhớ ngày tháng và liên tục la hét trong bệnh viện. Chưa hết, ngôi trường Steamboat Mountain nơi Vi Trịnh theo học có một truyền thống là mỗi năm học sinh ở đây sẽ có bốn nhóm, phân theo lớp và sức khỏe để đi “hiking” - bộ môn đi bộ mà lại không phải là đi bộ. Mỗi nhóm sẽ leo một ngọn núi 14.000 feet, tương đương với hơn bốn nghìn mét (trong khi đỉnh Fansipan ở Việt Nam cao nhất có hơn ba nghìn mét).
Còn rất nhiều thử thách cam go và không kém phần nguy hiểm mà bạn đọc có thể dõi theo trong cuốn sách “Du học tuổi 16”. Qua cuốn sách, bạn đọc đã không còn thấy hình bóng của cô tiểu thư như năm mười sáu tuổi mà giờ đây Vi đã có thể “tự nấu ăn, tự rửa bát, tự dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, tự giặt quần áo”. Thêm một điều nữa mà như Vi tự nhận: “Nếu thất nghiệp thì tôi có thể xin đi làm nhà hàng, dọn dẹp qua ngày mà nuôi sống bản thân, vì kinh nghiệm thì tôi có thừa”.
Chính hành trình lớn lên và trưởng thành của Vi Trịnh đã để lại ấn tượng nơi bạn đọc về một cô gái nhỏ nhắn, “bình thường” nhưng lại giàu bản lĩnh và nghị lực mạnh mẽ. Chắc chắn, Vi Trịnh cũng sẽ làm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về hình ảnh của những bạn trẻ Việt Nam.
Sách được phát hành tại Nhà sách Saigon Books: 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh và các nhà sách trên toàn quốc.