Du lịch TP Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách với mô hình chuyển đổi xanh
Du lịch "xanh' chốn non thiêng TP Hồ Chí Minh: Mang ẩm thực xanh, du lịch xanh đến gần du khách |
Du lịch khởi sắc, nguồn thu khách quốc tế tăng
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam đến tháng 9/2023 ước đạt 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khách nội địa vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh, tăng gần 48% so với cùng kỳ 2022, đạt hơn 16,4 triệu lượt.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo Cục Thống kê thành phố, tổng doanh thu du lịch 9 tháng đạt 125.463 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kì. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 26.994.560 lượt, tăng 25% và khách quốc tế đến thành phố ước đạt gần 3,6 triệu lượt, tăng 69% so cùng kỳ.
Các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh đánh giá, trong năm 2023, lĩnh vực du lịch trong nước (Domestic), nước ngoài (Outbound) và quốc tế (Inbound) đều đã phục hồi và có sự khởi sắc đáng kể. Cùng với đó, chính sách visa mới được đưa vào áp dụng từ ngày 15/8/2023 cũng đang tạo ra nhiều dấu hiệu tích cực, góp phần thu hút du khách quốc tế, mang tới nhiều hy vọng hơn cho thị trường du lịch khó tính này.
Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng |
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin BenThanh Tourist cho biết, so với năm 2022, du lịch quốc tế (Inbound) đã có sự phục hồi đáng kể. Số liệu thống kê cuối tháng 8 của công ty cho thấy doanh thu du lịch quốc tế tăng 387% so với cùng kỳ năm 2022.
“Công ty dự đoán thị trường du lịch quốc tế năm nay sẽ đạt được mức tăng trưởng bằng 80% so với thời điểm trước dịch và tiếp tục tạo được sự đột phá trong những năm tới”, bà Trần Phương Linh nhận định.
Tương tự, bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, nhìn nhận thị trường du lịch nội địa, khách quốc tế đến Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn cuối năm cùng với hàng loạt các hoạt động lễ hội kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi nhanh chóng, đặc biệt lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt được kỳ vọng đặt ra.
Trong 9 tháng qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP cùng các ban, ngành cũng liên tục tổ chức các chương trình kích cầu du lịch. Hàng loạt các sự kiện tầm cỡ như: Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh 2023 (ITE HCMC); Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2023 (HEF); Lễ hội Sông nước lần thứ 1… cùng với các hoạt động xúc tiến, liên kết vùng du lịch, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm phát triển du lịch… đã tạo đà hồi phục và phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này.
Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức đã thu hút rất đông du khách đến với thành phố |
Từng bước xanh hóa ngành Du lịch
Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường luôn là vấn đề cốt yếu được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
TP Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu tiên phong xanh hoá nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là trong ngành Du lịch. Thực hiện chủ chương về ý thức bảo vệ môi trường, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại TP Hồ Chí Minh đã khai thác nhiều tour “du lịch xanh”, trong đó sử dụng phương tiện xanh (xe điện, xe đạp, xuồng ghe…); Tổ chức du lịch cùng hoạt động bảo vệ thiên nhiên, trồng cây, dọn rác; Đến thăm các di sản thiên nhiên… qua đó lan toả thông điệp về bảo vệ môi trường, tài nguyên xanh.
Các tour tham quan di sản thiên nhiên thường xuyên được doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh triển khai nhằm lan toả thông điệp bảo vệ môi trường |
Đại diện BenThanh Tourist, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin Trần Phương Linh cho biết, công ty đang đầu tư phát triển chuỗi sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm độc đáo như: Tour “ U Minh Hạ mùa gác kèo ong - Homestay Đất Mũi”, du khách trải nghiệm đời sống của người dân địa phương vùng U Minh Hạ và Cà Mau; Du lịch kết hợp rèn luyện sức khỏe với các chương trình tour “Chèo sup lướt sông Sài Gòn” hay tour “Chèo sup xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ”, tour “Trải nghiệm đạp xe đạp - Ngày bình yên trên vùng Đất thép”… Các tour đem tới cho du khách cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, có được những trải nghiệm khó quên mà vẫn giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của môi trường.
Đối với các hoạt động tổ chức du lịch, BenThanh Tourist luôn tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ nhân viên, khách hàng tham gia tour ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngay từ những điều giản dị và nhỏ bé nhất, như hạn chế sử dụng đồ nhựa, tránh vứt rác bừa bãi trong mỗi chuyến đi…
Xe đạp là loại phương tiện “xanh” được du khách ưa chuộng |
Còn tại Công ty Du lịch Việt, đơn vị đã có lộ trình xuyên suốt để hiện thực hóa tham vọng du lịch xanh này với nhiều kế hoạch, mục tiêu, cụ thể như: Khảo sát thực tế nhu cầu, dịch vụ cung cấp đảm bảo chất lượng; Xây dựng sản phẩm theo tiêu chí sử dụng dịch vụ xanh, chương trình du lịch gắn với thông điệp bảo tồn môi trường, giữ gìn các điểm thắng cảnh du lịch; Đào tạo đội ngũ nhân sự, điều hành, hướng dẫn viên về tiêu chí sản phẩm xanh…
Cùng với đó, công ty cũng thường xuyên phối hợp xúc tiến và lên kế hoạch với các địa phương để tổ chức sự kiện về di sản thiên nhiên tại địa phương; Kết hợp với những người nổi tiếng để tạo sức hút truyền thông điệp bảo vệ môi trường; Kết hợp với Trung tâm Truyền thông môi trường tổ chức các chuyến du lịch dạng Caravan tới điểm đến thiên nhiên…
Ngoài ra, xu hướng “ẩm thực xanh” cũng rất được các doanh nghiệp du lịch chú trọng. Họ đã và đang đẩy mạnh kết hợp, tìm kiếm các nhà hàng hướng đến các món ăn xanh, có nguồn gốc hữu cơ… và đào tạo nhân sự để chuyển tải thông tin bảo vệ môi trường.
Đối với doanh nghiệp lưu trú, thực tế cho thấy, nhiều khách sạn tại TP Hồ Chí Minh đã sử dụng năng lượng hiệu quả với yêu cầu tiết kiệm, sử dụng công nghệ và trang thiết bị giảm tiêu thụ điện năng… Đồng thời, các khu lưu trú tập trung thiết kế nhiều cửa sổ đón ánh sáng mặt trời, không sử dụng máy lạnh, xây dựng công viên, cây xanh để tái tạo không khí, phát triển hệ thống trồng rau sạch ở tầng thượng… qua đó thúc đẩy xu hướng phát triển du lịch xanh một cách bền vững và toàn diện.
Nhìn chung, để có thể phát triển ngành và mô hình du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và cộng đồng, ngoài sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp cũng rất cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước về ngành Du lịch, ngành Môi trường, các địa phương và trên hết vẫn là ý thức của mỗi người.