Du lịch Yên Bái: “Điểm đến lý tưởng” của du khách
Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Chủ trương này đã và đang mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực...
Thôn Cầu Có, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) có 117 hộ dân, trong đó có 74 hộ đồng bào dân tộc Tày Khao sống tập trung và còn giữ được những nét độc đáo về văn hoá, phong tục tập quán. Đặc biệt trong thôn có dòng họ Hà vẫn còn lưu giữ sắc phong gắn liền với Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn trong các lễ hội hàng năm.
Hiện người dân trong thôn vẫn còn giữ được những sinh hoạt văn hóa đặc sắc như các làn điệu dân ca, múa Then, múa xoè; Các sản vật mang đậm bản sắc dân tộc. Đây cũng là khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên vẫn giữ được những nét nguyên sơ và ít bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của xã hội.
Quần thể khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Đông Cuông là một trong những điểm du lịch hút khách của tỉnh Yên Bái |
Cùng với đó, thôn Cầu Có cũng có vị trí khá thuận lợi nằm ngay trên đường vào Quần thể khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Đông Cuông, hàng năm có trên dưới 100 nghìn lượt khách thập phương đến thăm quan. Vì vậy, những năm qua, Làng văn hoá du lịch cộng đồng Cầu Có đã nổi lên như một “điểm sáng” về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Là một trong những hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên của thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, Homestay Loan Khang của bà Hoàng Thị Loan lúc nào cũng có khách và đông nhất là trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò diễn ra vào trung tuần tháng 9 hằng năm nên du khách phải đăng ký ăn nghỉ trước cả tháng.
Bà Loan chia sẻ: "Du lịch cộng đồng được khai thác trong vài năm nay ở xã Nghĩa Lợi. Mới đầu làm du lịch, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, bởi đã bao giờ mình làm du lịch đâu nên minh phải đi tham quan, học hỏi mô hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; Sau đó, dựa vào điều kiện thực tế địa phương, gia đình để làm du lịch. Trước tiên, gia đình tôi sửa sang lại nhà cửa, mua sắm chăn đệm, xây nhà vệ sinh khép kín. Đồng thời, tôi được tham gia các lớp tập huấn về du lịch do thị xã, tỉnh tổ chức”.
Du khách đến với Homestay của bà Loan, đến với bản làng du lịch khám phá là do họ bị cuốn hút bởi các món ăn đặc sản, đạp xe ngắm cảnh thiên nhiên của bản làng yên bình, xem cách dệt vải truyền thống, nghe các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ của người Thái, được xem các thiếu nữ biểu diễn xòe Thái cùng những bài hát khắp khiến du khách càng thêm thích thú, say mê…
Thị xã Nghĩa Lộ nổi lên như một “điểm sáng” về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái |
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 25 thôn, bản với 209 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Thái. Nhiều khu du lịch cộng đồng đã nằm trong bản đồ du lịch cầm tay của khách ngoại quốc như: Ngòi Tu, Ngòi Cụ ở huyện Yên Bình; Ao Luông, Gốc Bục ở huyện Văn Chấn; Bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Dề Thàng, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải…
Với những cảnh đẹp nổi tiếng như: Hồ Thác Bà, quần thể di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Chế Cu Nha - Dế Xu Phình, chè cổ thụ Suối Giàng, bình nguyên xanh Khai Trung... cùng nhiều thác, hồ, suối, nguồn nước nóng khác có thể khẳng định, tiềm năng du lịch cộng đồng ở tỉnh Yên Bái là rất đa dạng.
Gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Với vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, cảnh quan và hệ sinh thái, những năm gần đây, Yên Bái đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc cùng những nét văn hóa độc đáo, nguyên sơ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực sự là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng homestay. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, người dân đã tích cực tham gia vào việc đón tiếp, phục vụ du khách đến với địa phương, từng bước phát triển nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng.
Có thể thấy rằng, những năm qua, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Yên Bái là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới.
Với chủ trương, chính sách của tỉnh, hiện Yên Bái xác định phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, trong đó, du lịch cộng đồng là một thế mạnh được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.
Những thửa ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải - Địa điểm “check-in” yêu thích của các bạn trẻ |
Thời gian tới, Yên Bái tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Kết hợp du lịch cộng đồng với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống lao động sản xuất của cư dân trong vùng.
Tỉnh Yên Bái cũng đang chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng, đặc biệt chú trọng đào tạo trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ người dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Tuyên truyền, quảng bá để người dân tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường quản lý, giám sát việc triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường, có kiến trúc phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường các hình thức quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng, hình thành những nét đặc trưng, điểm nhấn riêng cho du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái.