Duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi cần thiết
Đảm bảo an toàn về người và tài sản
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó mưa, lũ lớn trên các tuyến sông tính đến 16h ngày 11/9/2024.
Ngay khi nhận được các bản tin dự báo, cảnh báo lũ và các chỉ đạo của Trung ương và thành phố; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống lũ và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó mưa, lũ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về công tác phòng, chống úng ngập khu vực đô thị, Công ty Thủy lợi, đã vận hành cửa phai của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… Công ty đã đóng đập Thanh Liệt (thời điểm đóng mực nước 455/508), trạm bơm Yên Sở vận hành 20/20 bơm; các trạm bơm Đồng bông1,2 Cổ Nhuế, cầu Bươu hoạt động quá 50% tổ máy.
Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các Công ty Thủy lợi, đến 16h ngày 11/9/2024, vận hành 190 trạm bơm tiêu với 586 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 2.390.980 m3/h.
Đã triển khai sơ tán, di rời khoảng 27.980 người dân tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ.
Do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua đã có những thiệt hại về người (4 người chết và 23 người bị thương) và tài sản. Tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 14h ngày 11/9/2024, các thiệt hại do mưa, lũ sau bão đã làm 2 người bị thương; xuất hiện nhiều điểm, cơ sở hạ tầng bị úng ngập, hư hại;...
Các lực lượng chức năng chuẩn bị bao cát, sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp tại khu vực đê xung yếu xã Đại Áng. Ảnh: Quang Thái |
Về úng ngập khu vực đô thị, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, các vị trí xuất hiện úng ngập trong lúc mưa cụ thể: Lưu vực Cầu Bây: Phố Hoàng Như Tiếp (trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ); Trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm; Cổ Linh (trước và đối diện trường THCS Long Biên); Vũ Xuân Thiều; Đường Đàm Quang Trung (trước và đối diện siêu thị Aeon Mall); Gầm chui xe lửa phố Thiên Đức; Đức Giang (từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97); Đức Giang (từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97).
Lưu vực Tô Lịch: Ngã 4 Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Tông Đản; Thợ Nhuộm (giữa phố); Thụy Khuê (trường Chu Văn An – Dốc La Pho) các vị trí này đến thời điểm 14h00 nước rút hếtt. Hiện chỉ còn vị trí ngõ 165 Thái Hà.
Lưu vực sông Nhuệ: Phía Hữu sông Nhuệ tại Đại lộ Thăng Long: Ngã 3 giao Lê Trọng Tấn; Các hầm chui số 3, số 5, số 6, Km9+656 (hầm chui số 5, Km9+656 ngập từ 17h30’ chiều ngày 09/9 đến nay, hầm chui số 3, số 6 ngập từ 5h00’ sáng ngày 10/9 đến nay).
Phía Tả sông Nhuệ: Triều Khúc (ngõ 97 đến Ao Đình); Cầu Bươu (Bệnh viện K - Mương Yên Xá); Yên Xá; ; Võ Chí Công (Tòa nhà UDIC); Khu đô thị Resco; Kẻ Vẽ (Đoạn ngã 3 chợ Vẽ); Trần Cung; EcoHome; Phú Xá ( Ngã 3 Phú Xá – Phúc Hoa); Ngõ 89 Lạc Long Quân; Hoàng Quốc Việt (Đại học Điện lực);
Vị trí Phan Văn Trường( cổng chợ - danh trại quân đội); Trần Bình (UBND phường Mai Dịch đến bệnh viện 198 BCA) đến thời đểm 14h00’ đã rút hết.
Trong đó Cầu Bươu (Bệnh viện K - Mương Yên Xá), Yên Xá tái ngập sau khi đóng đập Thanh Liệt.
Sẵn sàng ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”
Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước những diễn biến phức tạp của mưa, lũ, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.
Các lực lượng của huyện Quốc Oai xử lý sự cố mặt đê tả Tích đoạn qua địa phận xã Ngọc Liệp. Ảnh: Thúy Nga |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ. Rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; thông báo liên tục cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định.