Gạo hữu cơ Đồng Phú: Sản phẩm OCOP 4 sao hướng tới thị trường xuất khẩu
Gạo hữu cơ Đồng Phú vừa được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao
Bài liên quan
Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trứng gà siêu sạch Ba Huân
Hà Nội có nhiều tiềm năng lựa chọn và phân hạng các sản phẩm OCOP
Hệ thống sản phẩm OCOP tiêu biểu của ngành Nông nghiệp Thủ đô
Phát triển sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Sữa Phù Đổng”
Rau mầm Thanh Hà: Sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Thường Tín
Đông Anh: Điểm sáng trong triển khai xây dựng Chương trình OCOP
Không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) những ngày này đang vào vụ thu hoạch lúa. Vụ mùa năm nay, lúa hữu cơ Đồng Phú có sản lượng tốt, chất lượng cao nên bà con nông dân rất vui mừng phấn khởi.
Trước đây, Đồng Phú chủ yếu gieo cấy các giống lúa thuần, lúa lai song do sản xuất lúa thương phẩm nên giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác thấp, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, Đồng Phú được tiếp cận với dự án Pamci (sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ) của tổ chức JICA (Nhật Bản). Ban đầu, dự án được triển khai thử nghiệm chỉ với diện tích 5ha sau đó nhân rộng và duy trì sản xuất 30ha lúa hữu cơ mỗi vụ.
Hiện nay, hợp tác xã có 113 thành viên, canh tác trên diện tích 30ha vùng chuyên lúa hữu cơ và 50ha vùng đệm |
Trên cơ sở thành công của dự án này, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập. Hiện nay, hợp tác xã có 113 thành viên, canh tác trên diện tích 30ha vùng chuyên lúa hữu cơ và 50ha vùng đệm. Từ vụ Xuân năm 2019, hợp tác xã đã liên kết với Công ty CP TM&XNK Green Path tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của xã viên. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế canh tác lúa hữu cơ được nâng lên rõ rệt, đạt 180 triệu đồng/ha/năm, tăng xấp xỉ 2 lần so với canh tác thông thường. Đặc biệt, từ ngày trồng lúa hữu cơ, người dân Thượng Phúc chính thức “chia tay” với mọi loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết: Hợp tác xã đã chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo dự án Pamci. Nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, từ đạm, lân kali và chất bảo quản... HTX tuyệt đối không dùng bất cứ loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục.
Hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng phải được đặt than hoạt tính. Đến khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách tin cậy. Khác với việc sản xuất thông thường, trong quá trình sản xuất hữu cơ, nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng. Do đó, các hộ nông dân ngoài sản xuất còn phải giám sát nhau để quy trình sản xuất được thực hiện một cách nghiêm ngặt nhất.
Gạo hữu cơ Đồng Phú được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm vấn đề mẫu mã, bao bì, quảng bá và tiếp cận thị trường cho sản phẩm |
Gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ hơn 7 năm, nông dân thôn Thượng Phúc nói riêng và đông đảo hộ dân ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, nhận ra rằng, cái được lớn nhất chính là môi trường sống trong lành, không ám mùi hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra an toàn, sức khỏe được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Hòa (xã Đồng Phú) cho biết: “Ban đầu, khi tiếp xúc với phương pháp sản xuất hữu cơ chúng tôi bỡ ngỡ lắm. Tuy nhiên, sau khi được các chuyên gia hướng dẫn thì mọi người đều hiểu và nhanh chóng nắm bắt cách làm mới. Từ ngày làm lúa hữu cơ, mỗi mùa bà con đều làm cỏ cho lúa theo phương pháp thủ công, ủ phân chuồng làm phân bón, tự chế các loại thuốc trừ sâu sinh học. Sau nhiều năm nói không với hóa chất, đồng ruộng Thượng Phúc lại nhìn thấy những loài sinh vật có ích, không khí trong lành, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Chưa kể, chất lượng gạo ngày càng dẻo, thơm, ngon hơn”.
Sớm đưa sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú chinh phục thị trường Mỹ
Tin vui với bà con nông dân Đồng Phú khi vụ Xuân năm 2019, Công ty CP TM&XNK Green Path Việt Nam phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú triển khai mô hình sản xuất lúa Japonica hữu cơ. Đến thời điểm này, tham quan thực tế đồng ruộng, đa số bà con nông dân đều đánh giá cao giống lúa này vì có tính thích nghi tốt, bông to, tỷ lệ hạt chắc và đạt hiệu quả cao.
Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP TM&XNK Green Path Việt Nam chia sẻ: Là một doanh nghiệp luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững, Green Path Việt Nam đặc biệt chú trọng tìm kiếm, đầu tư và phát triển những giống lúa có phẩm chất tốt, giàu giá trị dinh dưỡng và phối hợp cùng các hợp tác xã có uy tín và kinh nghiệm lâu năm. Hợp tác xã Đồng Phú đã có nền tảng 7 năm làm lúa hữu cơ, chính những yếu tố trên đã thúc đẩy Green Path đầu tư tại vùng lúa hữu cơ Đồng Phú.
“Với ý thức thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt của từng thành viên hợp tác xã, Green Path mong muốn sẽ sớm đưa sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú chinh phục thị trường Mỹ”, Tổng Giám đốc Công ty CP TM&XNK Green Path Việt Nam nhấn mạnh.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP TM&XNK Green Path Việt Nam (bên phải) giới thiệu tại sự kiện triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng Nông thôn mới tại Nam Định năm 2019 |
Chia sẻ rõ hơn về sự hợp tác giữa Công ty CP TM&XNK Green Path Việt Nam và Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Trịnh Thị Nguyệt cho biết: Công ty Green Path sẽ thu mua lúa của bà con ngay tại đầu bờ, sau đó đưa đi sấy khô, chế biến và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng bảo đảm vấn đề mẫu mã, bao bì, quảng bá và tiếp cận thị trường cho sản phẩm.
Nhờ có sự tham gia của doanh nghiệp nên nông dân không lo đầu ra, yên tâm sản xuất. Thời gian tới, Green Path dự kiến mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Do đó, xã Đồng Phú đang gấp rút hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, trồng thêm các loại hoa ở bờ ruộng, đường làng, để Đồng Phú không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo thơm ngon, mà còn là một địa chỉ du lịch trải nghiệm đồng quê thú vị.
Nói về mô hình sản xuất gạo hữu cơ Đồng Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Trong quá trình sản xuất, nông dân Đồng Phú luôn tuân thủ việc ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử, đảm bảo minh bạch mọi công đoạn từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng thời, hợp tác xã cũng phối hợp cùng doanh nghiệp dán tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm rộng rãi nên người tiêu dùng có thể kiểm tra xác thực mọi thông tin về sản phẩm. Đây được coi là những điểm cộng của gạo hữu cơ Đồng Phú khi vừa nâng cao được giá trị sản phẩm vừa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Hiện, sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú đã được Trung tâm Phân tích và Kiểm định chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Công ty Green Path cũng đang hoàn tất các thủ tục để đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế USDA của Mỹ. Đặc biệt, vừa qua, gạo hữu cơ Đồng Phú vừa được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Trong xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững hiện nay, việc sản xuất theo phương thức hữu cơ như mô hình ở xã Đồng Phú rất cần được nhân rộng. Bởi không chỉ giúp tạo ra nông sản sạch mà mô nình này còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống, bảo vệ sức khỏe con người.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội