Gia tăng lấn chiếm không gian chung để sử dụng cho mục đích riêng
Chiếm dụng không gian chung cho mục đích riêng
Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm không gian chung để sử dụng cho mục đích riêng diễn ra ngày càng phổ biến, khiến dư luận bức xúc. Trên đoạn đường nằm trong khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, một không gian công cộng xanh rộng lớn đã bị lấn chiếm bằng cách rào lại, ngăn cản người dân sử dụng. Điều này khiến người đi bộ và xe cộ phải sử dụng phần đường chật hẹp, gây nguy hiểm và khó khăn cho việc đi lại. Vỉa hè đã bị chiếm dụng để đậu xe và trang trí bằng hoa và cây cảnh, trong khi phần lớn mặt đường cũng bị chiếm dụng để đỗ xe. Tình trạng này gây bức xúc từ cộng đồng dân cư.
Tương tự, tại dự án C14, phường Định Công, quận Hoàng Mai, không gian chung lại bị lấn chiếm bằng cách xây dựng cột sắt và mái che ra ngoài không gian công cộng. Điều này làm giảm diện tích sân chơi chung của khu dân cư và gây ra tranh cãi giữa cư dân về việc sử dụng không gian chung.
Nhiều khu vực sân chơi còn trở thành nơi tập kết hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ giữa mùa hè |
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), theo đó, vi phạm trật tự đô thị diễn ra tại nhiều tuyến đường, nơi tập trung các cơ quan, công sở. Dọc tuyến đường Đồng Bông, Cốm Vòng, ngõ 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), xe ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài ở cả hai chiều đường; vỉa hè và lề đường gần như bị các cửa hàng kinh doanh chiếm dụng khiến người đi bộ chỉ còn cách duy nhất là… đi xuống lòng đường.
Ở khu vực quận Bắc Từ Liêm, các tuyến phố Xuân La, Phạm Văn Đồng, Hoàng Công Chất, Xuân Đỉnh… thường xuyên là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…
Còn tại tại phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) nơi tập trung nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện và nhà ở, song các hàng quán tự phát, thi nhau chiếm dụng hai bên vỉa hè, lề đường. Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng ô tô, xe máy.
Đặc biệt, dọc tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai thường xuyên diễn ra cảnh bày bán hàng tràn lan trên vỉa hè và dưới lòng đường. Đoạn đường này không khác gì “chợ cóc”, bởi ở đây có đủ loại hàng hóa như quần áo, balo, túi xách, giày dép, dao kéo, hoa quả,… Tại đây, hàng chục xe tải lớn nhỏ chở hàng hóa đến bày bán, các tiểu thương lập bốt, cắm ô, treo biển, phát loa quảng cáo để thu hút người đi đường dừng lại mua hàng gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Dọc tuyến đường Nguyễn Xiển thường xuyên diễn ra cảnh bày bán hàng tràn lan trên vỉa hè và dưới lòng đường |
Anh Trần Văn Thái (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tuyến đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm là tuyến cửa ngõ Thủ đô thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, lại thêm nhiều xe tải dừng đỗ bày bán hàng khiến tình trạng giao thông càng tệ hơn. Các tiểu thương trải bạt, kê bàn ghế để bày bán hàng hóa cả ngày lẫn đêm trên vỉa hè nhưng các lực lượng chức năng chưa xử lý dứt điểm được”.
Cần có phương án xử lý hiệu quả
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, dù có nhiều chuyển biến về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, song chưa bền vững. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả nguyên nhân từ sự bất cập về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Để giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều người dân đã đưa ra các phương án cụ thể. Theo đó, nếu muốn vừa giữ được vỉa hè, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, thành phố Hà Nội nên sớm nghiên cứu việc cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 5m trở lên. Khi đó, phần vỉa hè sẽ được kẻ vạch, một phần diện tích dành cho người đi bộ, phần còn lại cho phép kinh doanh một số mặt hàng theo quy định, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Đơn vị chức năng sẽ tập trung hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp kinh doanh trong khuôn viên cửa hàng, cửa hiệu, xếp phương tiện trước cửa hàng theo đúng quy định |
Nhìn từ góc độ quy hoạch đô thị, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề từ gốc, cần quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ngay từ khi lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại từng tuyến đường, tuyến phố.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hè phố, thành phố có thể thiết kế vỉa hè gắn với hệ thống cây xanh, bồn hoa, vừa tạo cảnh quan đô thị, vừa ngăn cách tạo lối đi riêng dành cho người đi bộ, hạn chế tình trạng bày bán hàng hóa trên vỉa hè.
Lãnh đạo nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trât tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… trong thời gian này, đơn vị chức năng sẽ tập trung hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp kinh doanh trong khuôn viên cửa hàng, cửa hiệu, xếp phương tiện trước cửa hàng theo đúng quy định, thống nhất, đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời, các đơn vị tổ chức sắp xếp hàng hóa vừa đảm bảo nhu cầu mua bán của người dân, hạn chế thấp nhất những lệ luỵ đối với công tác quản lý trật tự đô thị, tình hình giao thông trong khu vực.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về “Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ” như sau: Đối với hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, rửa xe, treo biển hiệu, biển quảng cáo… hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng - 6.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. |