Gia tăng tình trạng trẻ em khủng hoảng tâm lý sau đại dịch
Gia tăng các vấn đề về tâm lý ở trẻ em
Theo số liệu ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.
Báo cáo của UNICEF chỉ ra những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm: Tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt… Những rối loạn này có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm trí ở trẻ gồm sự cô lập về cảm xúc khiến thanh thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai; Sử dụng quá nhiều với internet; Gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, lo sợ bị “la mắng”; Áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình…
Dịch COVID-19 khiến các vấn đề về tâm lý của trẻ em thêm trầm trọng (Ảnh: Reuters) |
Nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ chia sẻ, đại dịch COVID-19 khiến con cái của họ phải học trực tuyến trong gần 2 năm qua. Việc thiếu cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè hay tham gia các hoạt động ở trường đã gây nên khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Bà Deanna Caputo, nhà tâm lý học và là mẹ của 2 đứa con sống tại bang Virginia cho biết, bà bắt đầu nhận thấy các triệu chứng trầm cảm ở con trai mình sau 8 tuần học online.
Mặc dù tình trạng trẻ em mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng khoảng thời gian gần 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Trên thế giới, nhiều bệnh viện nhi đã báo cáo sự gia tăng 100% số ca nhập viện vì các vấn đề sức khỏe tâm thần; Tăng 200% số ca nhập viện vì sử dụng chất gây nghiện và cố gắng tự tử. Một nghiên cứu ở 80.879 trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu (được công bố vào tháng 8/2021 trên JAMA Pediatrics) cho thấy, số trẻ em trải qua triệu chứng trầm cảm và lo âu lần lượt là 25,2% và 20,5%. Tỷ lệ này đã tăng cao gấp đôi so với trước đại dịch.
Theo hãng thông tấn AP, trở lại trường học sau những tháng giãn cách xã hội đã làm tăng lo âu đối với một số trẻ nhỏ. Nhiều giáo viên cho biết học sinh đang gặp khó khăn hơn trong việc tập trung và ngồi yên. Nhiều em cần học lại cách kết nối xã hội và giải quyết mâu thuẫn trực diện sau thời gian dài ngồi trước màn hình.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến trường học phải đóng cửa, có 415 trẻ em từ tiểu học đến trung học được ghi nhận là đã tự lấy đi mạng sống của mình trong năm 2020.
Con số này cao hơn năm 2021 gần 100 vụ và là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1974.
Eguchi Arichika, người đứng đầu bộ phận phụ trách vấn đề trẻ em và học sinh của Bộ giáo dục Nhật Bản cho biết: “Sự gia tăng các vụ tự tử là cực kỳ đáng báo động. Kết quả cho thấy đại dịch COVID-19 đã gây ra những thay đổi trong môi trường học đường và gia đình và có tác động đến hành vi của trẻ em”.
Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, đầu năm 2021, số ca là trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51%; Trong khi số ca trẻ em trai tăng 4% so với 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tình trạng trẻ em nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.
Theo CDC Mỹ, hiện nước này chưa có một hệ thống giám sát toàn diện và riêng biệt về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em nên các gia đình chính là nơi tốt nhất để quan sát, chăm sóc và hỗ trợ khi các con gặp phải vấn đề về tâm lý, tâm thần sau đại dịch.
Đại dịch COVID-19 tác động tới sự phát triển của trẻ em
Báo The New Daily của Australia tháng trước cũng đăng tải một báo cáo mới cho thấy tỷ lệ trẻ em tiến bộ trên 5 khía cạnh phát triển chính ở nước này đã giảm lần đầu tiên sau 13 năm do hệ quả của đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu xoay quanh 5 khía cạnh gồm: Sức khỏe thể chất và phúc lợi; Năng lực xã hội; Sự trưởng thành về tình cảm; Kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; Kỹ năng giao tiếp và nhận thức chung.
Khủng hoảng tâm lý ở trẻ em không thể coi nhẹ (Ảnh: Getty) |
Trong khuôn khổ cuộc điều tra dân số về sự phát triển sớm ở Australia, Chính phủ nước này đã tiến hành nghiên cứu kéo dài 3 năm nhằm theo dõi sự phát triển thời thơ ấu dựa trên dữ liệu thu thập được từ các trẻ nhỏ trong năm đầu tiên đi học toàn thời gian.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ em Australia đều phát triển tiến bộ khi xét tới từng khía cạnh nói trên. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2018-2021, tỷ lệ trẻ tiến bộ theo 5 khía cạnh này đã giảm từ 55,4% năm 2018 xuống 54,8% năm 2021. Đây là xu hướng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Dữ liệu năm 2021 cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em "dễ bị tổn thương về mặt phát triển" đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi trường học phải đóng cửa thời gian dài để phòng dịch và chuyển sang hình thức học tập trực tuyến.
Trong khi đó, năng lực xã hội là khía cạnh duy nhất ghi nhận tỷ lệ trẻ em dễ bị tổn thương giảm từ 9,8% vào năm 2018 xuống 9,6% vào năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia, Stuart Robert cho biết, trẻ em, gia đình và trường học đã thể hiện khả năng thích ứng và tính linh hoạt lớn trong thời gian dài chưa từng có. Ông nêu rõ cuộc điều tra dân số sẽ cung cấp cho các Chính phủ dữ liệu cần thiết để có thể đưa ra quyết định sáng suốt về các chính sách, đặc biệt là đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi, nhất là trẻ em.
Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực súng đạn |
Nguy cơ gia tăng lao động trẻ em |
Bạo hành trẻ em: Ai gánh nổi những tổn thương đeo đẳng cả cuộc đời trẻ thơ? |