Tag

Giá thành điện: Thực trạng và giải pháp

Thị trường - Tài chính 10/10/2024 20:21
aa
TTTĐ - Chiều 10/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, năng lượng.
Người thuê nhà được áp dụng giá điện ra sao? Đề xuất hỗ trợ giá điện với trạm sạc xe điện tại Việt Nam Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp Điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"
Các đại biểu dự tọa đàm
Các đại biểu dự tọa đàm

Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện vẫn chưa được đầy đủ, dẫn đến giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Thực tế là giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Vậy, thực trạng về về giá thành, cơ cấu hình thành giá điện ở nước ta hiện nay ra sao; các yêu cầu đặt ra trong thực hiện và đẩy mạnh thực hiện lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" và việc thực hiện lộ trình này sẽ mang lại những lợi ích gì và có tác động như thế nào đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh; các giải pháp phát triển bền vững ngành điện thông qua cách tính giá điện bán ra;… Người dân cần có thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch để hiểu rõ bản chất của sự việc, để chia sẻ và đồng thuận.

Những vấn đề này được phân tích, kiến giải, luận bàn thấu đáo và toàn điện tại cuộc Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 10/10 với sự tham dự của các vị khách mới gồm: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu; Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa và TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn

Nguồn điện giá rẻ giảm trong khi nguồn điện giá đắt tăng cao

Dưới góc độ quản lý nhà nước ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Việc tính toán giá điện thực hiện theo Quyết định 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định này, Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN căn cứ theo báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính đã được các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán.

Thực hiện quy định này, đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN được thành lập gồm đại diện các Bộ, ngành: Công thương, Tài chính, LĐTB&XH, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan như như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, VCCI... và các đoàn kiểm tra liên ngành gồm rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực đã tham gia, kiểm tra thực tế tại EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia... để bảo đảm kiểm tra khách quan, minh bạch.

Báo cáo của EVN và quá trình kiểm tra cho thấy, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình thế giới và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

“Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%. Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực chỉ rõ.

Trong bối cảnh này, theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn.

EVN và các đơn vị thành viên cũng đã phát động tiết kiệm điện tại tất cả các cơ quan đơn vị trực thuộc, tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu tham gia tọa đàm theo hình thức trực tuyến
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu tham gia tọa đàm theo hình thức trực tuyến

Những bất cập lớn nhất về giá điện

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề: Giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì rõ ràng đây là một bất cập.

Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu, bất cập thể hiện rõ ở một số điểm. Cụ thể đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng.

“Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối”, ông Hiếu thẳng thắn chỉ rõ

Theo vị đại biểu Quốc hội này, trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.

“Về mặt lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước

Chia sẻ về những bất cập này, dưới góc nhìn của một chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng: Giá bán không bù đắp được chi phí thì gây ra nhiều hệ lụy.

Dẫn ra số liệu cụ thể, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh.

“Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

Thực tế này theo ông Thỏa, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện, cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.

Vị chuyên gia này cũng cho biết số liệu kiểm tra rất khách quan, minh bạch. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết những bất cập này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu rõ: Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi “rào cản” để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường.

Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu %.

Về chủ trương điều hành, để giải quyết các bất cập, theo ông Thỏa phải bám vào các quy định của pháp luật hiện hành.

“Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh

Vị chuyên gia về giá này cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện

Cần tách bạch chính sách hỗ trợ trong giá điện

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.

Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn.

“Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó”, ông Thỏa chỉ rõ.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Thế Hữu đồng tình với ý kiến rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng.

“Chính sách an sinh trong việc sử dụng điện đối với hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội đã được áp dụng nhất quán trong nhiều năm nay chứ không phải vài năm trở lại đây mới nói”, ông Nguyễn Thế Hữu khẳng định.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tương đương 30 kWh điện hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nỗ lực chung của cả ngành điện cũng như cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh nguồn điện cũng chính là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội.

TS Hà Đăng Sơn: Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn
TS Hà Đăng Sơn: Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn

Phải cải cách giá điện

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ông Thỏa phân tích, nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì đã cho chúng ta định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng thì được điều chỉnh.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý.

“Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện. Riêng thực hiện những điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Thỏa nhấn mạnh

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.

Đề cập thêm về vấn đề này, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng căn cứ pháp lý chúng ta đã có, các chỉ đạo cụ thể của Nhà nước đã có,vấn đề ở đây là chúng ta vẫn chưa sử dụng các công cụ đã có trong tay vì vậy không nên nghĩ đến những điều mới. Trước mắt, những gì đã có cần làm trước, các động thái như sửa Luật Điện lực và đưa ra những cơ chế, chính sách mới, Chính phủ đều đã làm.

Theo TS Hà Đăng Sơn, chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam.

“Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện”. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chỉ rõ.

Đọc thêm

Tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng Kinh tế

Tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng

TTTĐ - Bộ Tài chính lưu ý, người dân khi mua xăng dầu yêu cầu nhân viên phải trả màn hình hiển thị kết quả đo lường về số 0 trước khi tiếp tục bán hàng để chống gian lận, bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng Nhịp sống phương Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh thu bán lẻ đạt hơn 62.000 tỷ đồng

TTTĐ - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 6.211,8 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng, ước đạt 62.026,08 tỷ đồng, tăng 12,98%.
Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT là không thực tế Thị trường - Tài chính

Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT là không thực tế

TTTĐ - Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, qua nghiên cứu và tham khảo từ các chuyên gia kinh tế, có thể thấy, nếu chiếu theo quy định của khoản 3, Điều 15, doanh nghiệp nào chỉ sản xuất một mặt hàng là phân bón mới được khấu trừ thuế, còn sản xuất 2,3,4 mặt hàng (trong đó có phân bón) thì không được khấu trừ. Điều này là không thực tế.
Khu thương mại tự do, động lực cho Đà Nẵng phát triển logistics Thị trường - Tài chính

Khu thương mại tự do, động lực cho Đà Nẵng phát triển logistics

TTTĐ - Đà Nẵng tiên phong mở ra một chương mới cho logistics Việt Nam với việc thành lập Khu thương mại tự do, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh Thị trường - Tài chính

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh

TTTĐ - Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tổng thu ngân sách đạt gần 90% dự toán.
Long An: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2024 Thị trường - Tài chính

Long An: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2024

TTTĐ - Ngày 14/11, UBND tỉnh Long An và Bộ Công thương tổ chức hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu tỉnh Long An năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị.
Giá xăng RON95-III giảm còn 20.607 đồng mỗi lít Thị trường - Tài chính

Giá xăng RON95-III giảm còn 20.607 đồng mỗi lít

TTTĐ - Theo quyết định của liên bộ Công thương-Tài chính, tất cả mặt hàng xăng dầu cùng đi xuống từ 15 giờ hôm nay (14/11).
Năm 2025, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1,5 triệu tỷ đồng Thị trường - Tài chính

Năm 2025, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1,5 triệu tỷ đồng

TTTĐ - Chiều 13/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
Vẫn lo “sốt giá” khi mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại Thị trường - Tài chính

Vẫn lo “sốt giá” khi mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại

TTTĐ - Theo một số đại biểu Quốc hội, nếu thí điểm mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận có thể sẽ khiến cơn sốt giá lây lan, dẫn đến đầu cơ...
Eximbank BFAST: Bảo lãnh vốn đầu tư công “0 đồng” tiếp sức doanh nghiệp Thị trường - Tài chính

Eximbank BFAST: Bảo lãnh vốn đầu tư công “0 đồng” tiếp sức doanh nghiệp

TTTĐ - Đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vượt qua những thách thức về vốn đầu tư công, Eximbank đã tiên phong ra mắt chương trình BFAST với mức phí phát hành bảo lãnh “0 đồng”. Đây là giải pháp đột phá với quy trình bảo lãnh nhanh chóng, minh bạch và nhiều ưu đãi nhất nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí bảo lãnh, tối ưu hóa dòng vốn và nâng cao sức cạnh tranh.​
Xem thêm