Giá vàng hôm nay 14/1: Vàng vẫn đang giằng co khá mạnh
Giá vàng trong nước
Theo khảo sát của phóng viên, giá vàng SJC chốt phiên hôm nay 13/1, quay đầu giảm sau khi vừa phục hồi đà tăng nhẹ ở đầu phiên, "tụt dốc" trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng trên cả nước.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện niêm yết giá vàng SJC ở 55,9 - 56,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC cũng không giữ được đà tăng của phiên sáng. Do đó, giá vàng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 180.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Hiện công ty này niêm yết giá vàng SJC ở 55,92 - 56,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng 999,9 thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ở 54,88 - 55,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng hôm nay 14/1: Vàng vẫn đang giằng co khá mạnh |
Giá vàng thế giới
Giá vàng những ngày qua đang giằng co khá mạnh quang ngưỡng 1.820 - 1.860 USD/ounce. Trong phiên giao dịch sáng 13/1, giá vàng giao ngay đã quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng tới 1% ở phiên trước đó. Đến 18h cùng ngày, giá vàng giao ngày giảm nhẹ 0,07% xuống 1.853 USD/ounce và đến 21h, giá vàng thế giới trên sàn điện tử Kitco đang giao dịch ở mức 1857,8 USD/ounce, tăng 4,8 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã ở thế bán ròng vàng trong tháng 11 với dự trữ vàng toàn cầu chính thức giảm 6,5 tấn. Trước đó vào tháng 8 và 9, các ngân hàng cũng bán ròng lượng vàng nắm giữ.
Giám đốc nghiên cứu của WGC Krishan Gopaul cho biết, 23,3 tấn vàng được bán ra, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu; thế nhưng, một số nước mua vào 16 tấn để bổ sung lượng dự trữ như Uzbekistan với 8,4 tấn, Qatar với 3,1 tấn, Ấn Độ với 2,8 tấn và Kazakhstan với 1,7 tấn.
Nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng đã trở nên dễ biến động, do sự không chắc chắn và áp lực chi tiêu tài khóa ngày càng gia tăng bởi đại dịch Covid-19. Dù bán ròng 3 tháng, nhìn chung trong năm 2020, ngân hàng trung ương các nước vẫn ở trạng thái mua.
Chuyên gia phân tích kim loại cấp cao của Kitco Jim Wyckoff nhận định, sự phục hồi của chỉ số USD Index và lợi suất tăng sẽ là yếu tố gây áp lực đối với vàng trong ngắn hạn. Chỉ số USD Index bật tăng từ mức chạm đáy ba năm, được ghi nhận vào tuần trước khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Ông chủ mới của Nhà Trắng từng phát biểu, người Mỹ cần thêm cứu trợ kinh tế và ông sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế "khủng" trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và cơ bản tại BMO nhận định, việc nhà đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu Mỹ đã thúc đẩy niềm tin vào các tài sản của Mỹ khi chứng khoán tăng và đồng USD giảm, cả 2 đều giúp vàng khởi sắc.