Sớm xây dựng các chính sách thuế đối với vàng
Người dân đổ xô tích trữ vàng, tiền đâu sản xuất kinh doanh? Sẽ triển khai phương án mới để giảm chênh lệch giá vàng Cần coi vàng mặt hàng thông thường |
Theo chuyên gia, giải pháp bán vàng miếng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán vàng ra thị trường đã và đang kéo chênh lệch giá vàng trong nước gần sát giá thế giới. Tuy nhiên, về dài hạn, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các chính sách thuế đối với vàng...
Ngày 13/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo giá bán vàng miếng SJC cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 75,98 triệu đồng/lượng. Đây cũng là phiên thứ 6 liên tiếp NHNN không thay đổi giá bán vàng. Giá bán vàng miếng SJC tại 4 NHTM cũng tiếp tục duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng so với giá bán của NHNN. Còn tại Công ty SJC, giá vàng miếng SJC vẫn niêm yết quanh mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trên thị trường, giá vàng miếng JSC mua vào, bán ra ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra 2 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ ngày 30/1/2024.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá vàng miếng SJC từ đỉnh hơn 92 triệu đồng/lượng rơi xuống còn chưa đến 77 triệu đồng/lượng. Qua đó khẳng định, các giải pháp NHNN đang triển khai bình ổn thị trường, nhất là chính sách bán vàng cho 4 NHTM và Công ty SJC để bán trực tiếp tới người dân đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đạt mục tiêu đề ra khi giảm mạnh mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới từ 17 triệu đồng/lượng xuống hiện chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/lượng.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi phân tích, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường; đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
“Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Do đó, mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp”, bà Mùi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc nhập khẩu vàng để làm nguyên liệu cho chế biến trang sức và nhập khẩu để làm vàng miếng trao đổi có mục tiêu khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
TS Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào đối với bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác.
“Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nhấn mạnh.