Giải pháp hỗ trợ thanh niên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Giúp thanh niên dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn |
Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá về kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 27/10/2022 về việc “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện các cấp ủy đảng, Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ để đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong thanh niên.
Đại diện Tỉnh đoàn Lâm Đồng trình bày tham luận tại Đại hội |
Toàn Đoàn đã tổ chức đồng loạt nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, tư vấn, hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, doanh nhân trẻ và nhân dân về triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông thôn và nông dân; các kiến thức cơ bản, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh nông sản ứng dụng công nghệ cao…
Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp với trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và các Trung tâm nông nghiệp cấp huyện tổ chức các lớp dạy nghề, chương trình đào tạo ngắn ngày cho hơn 3.300 lượt đoàn viên kết hợp tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Chương trình đào tạo tập trung vào các chuyên đề sản xuất các giống rau, hoa bằng phương pháp gieo ươm, phương pháp ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật… qua đó từng bước trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Các đại biểu tham dự Đại hội |
Tỉnh đoàn cũng đang đồng hành với hơn 20 dự án, doanh nghiệp trẻ triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như Công ty Quốc tế Song Nga, kinh doanh sản phẩm quả tầm bóp xuất khẩu, doanh thu trung bình 3 tỷ/năm; Hợp tác xã rau Đà Lạt Vietponics, phường 9 Đà Lạt với doanh thu 10 tỷ/năm, Hợp tác xã Tiên Sinh với doanh thu trung bình 7 tỷ/năm, Công ty TNHH Hồng Ân chuyên các sản phẩm về nấm với doanh thu trung bình 2 tỷ/năm...
Theo đại diện Tỉnh đoàn Lâm Đồng để hỗ trợ thanh niên phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần thực hiện nhiều giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn về các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên |
Tổ chức Đoàn liên kết, tạo lập đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao, mạnh dạn đăng ký xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại những khu vực kinh tế kém phát triển; Phát huy hiệu quả các câu lạc bộ, đội hình thanh niên tình nguyện, tri thức trẻ tình nguyện làm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là tại các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Mặt khác các đơn vị cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ thanh niên đào tạo nghề nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; Tham mưu các chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, chế biến...; Phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.