Giao thông đường sắt gắn với sự phát triển quốc gia
Một ga tàu hiện đại tại Nhật Bản (Nguồn: We Just Travel)
Lĩnh vực nhiều tiềm năng
Sự bùng nổ của loại hình giao thông đường bộ và hàng không đã khiến nhiều người ít chú ý đến đường sắt. Đây là loại hình giao thông có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.
So với các loại hình giao thông vận tải khác, đường sắt có nhiều ưu điểm riêng. Do tính chất chuyên dụng của vận tải đường sắt, các tuyến đường cố định chuyên biệt, không phải chia sẻ với các loại phương tiện vận tải khác nên việc lưu thông không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kẹt xe, hư hỏng đường sá, mưa ngập, sửa chữa đường... Hành khách có thể chủ động thời gian và lộ trình di chuyển.
Do chi phí vận tải đường sắt không phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nên không chỉ hành khách chọn làm phương tiện di chuyển mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng chọn làm phương thức vận chuyển hàng hoá.
Giá cước vận tải đường sắt ổn định trong thời gian dài, ít biến động, độ an toàn cao, đảm bảo hàng hóa không bị mất mát, hư hỏng.
Hệ thống đường sắt tại Vương quốc Anh. Ảnh: Getty |
Đặc biệt, giao thông đường sắt chính là sự lựa chọn thông minh nhất trong bối cảnh toàn nhân loại đang đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Trên thực tế, tàu hỏa tiết kiệm năng lượng gấp nhiều lần so với các loại xe tải hay xe chở khách lớn.
Các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh… có lịch sử phát triển ngành đường sắt lâu đời với những dấu mốc quan trọng, đóng góp vào sự thịnh vượng của các quốc gia này. Trong đó, Vương quốc Anh là nơi có giao thông đường sắt đầu tiên trên thế giới, từ năm 1825. Tuy nhiên, mô hình quản lý, kinh doanh đường sắt phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng của từng quốc gia.
Đa số hoạt động của các đường sắt ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ nói chung và khu vực ASEAN nói riêng cho thấy, mô hình hoạt động hiệu quả hiện nay vẫn là đường sắt tích hợp thống nhất theo cách truyền thống. Tức là, thống nhất quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng và vận tải trong một thể chế để giảm thiểu vấn đề phối hợp giữa các chức năng bên ngoài và trên đường ray, bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả.
Trước đây, tại Thái Lan, ngành đường sắt đã từng lâm vào cảnh nợ nần và không có khả năng sinh lời. Do vậy, nước này đã phải thực hiện công cuộc cải cách đối với ngành đường sắt. Theo đó, Đường sắt Nhà nước Thái Lan đã công bố chương trình cải cách với cam kết phát triển quy hoạch mạng lưới phù hợp, thực hiện cắt giảm các chi phí mang tính trách nhiệm xã hội, thay vào đó tăng các khoản chi để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, cơ quan này cũng thành lập các tổ chức thuộc sở hữu Nhà nước để phát triển, quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường sắt; nâng cao vai trò của Chính phủ đối với quản lý và vận hành toa xe, đầu kéo và hệ thống đường ray. Nhà nước cam kết nâng cao đời sống của người lao động và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống đường sắt quốc gia.
Đất nước đi đầu phát triển đường sắt
Hiện nay, Nhật Bản là nước có ngành đường sắt phát triển hàng đầu châu Á cũng như trên thế giới với tổng chiều dài lên tới hàng chục nghìn ki lô mét. Theo ước tính, đường sắt Nhật Bản vận chuyển số lượng hành khách nhiều nhất thế giới với khoảng 23,5 tỷ lượt mỗi năm, hơn rất nhiều so với vị trí thứ hai là Ấn Độ với khoảng 5 tỷ lượt.
Ngành đường sắt Nhật Bản ra đời từ năm 1872. Tuyến tàu đầu tiên là từ Shinbashi đến Yokohama với tốc độ khoảng 30km/h. Tại đất nước mặt trời mọc, đường sắt là một trong những phương tiện vận tải hành khách chủ yếu. Nó phù hợp với vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, tốc độ cao giữa các thành phố lớn và cho người đi lại trong các vùng đô thị.
Tàu siêu tốc Shinkansen. Ảnh: Kyodo |
Không giống các nước khác trên thế giới, Nhật Bản hiện không có công ty đường sắt quốc gia. Vào năm 1987, đường sắt quốc gia Nhật Bản (Japan National Railways) đã được tư hữu hóa. Ngày nay, Nhật Bản có tới hơn 200 công ty lớn nhỏ khác nhau kinh doanh trong ngành đường sắt với lượng nhân viên làm việc trên 300.000 người.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, Nhật Bản cũng không ngừng tìm tòi và phát triển những tuyến tàu hỏa siêu tốc. Sự ra đời của các tuyến tàu siêu tốc đã rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại hiệu suất làm việc rất cao và đem lại sự thoải mái cho hành khách. Từ đó, hình ảnh những con tàu cao tốc tiêu biểu như Shinkansen đã trở thành biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và sức ảnh hưởng của trí tuệ Nhật.
Đoàn tàu Shinkansen khởi hành lần đầu tiên là vào ngày 1/10/1964 từ ga Tokyo đến Osaka với chiều dài 600km, giúp rút ngắn thời gian di chuyển còn 2 giờ, nhanh gấp 3,5 lần so với 7 tiếng trước đây. Dự đoán vào năm 2027, thời gian di chuyển giữa hai thành phố này chỉ còn lại một giờ đồng hồ.
Shinkansen rất hiếm khi đến trễ giờ và cứ vài phút lại có một chuyến tàu khởi hành từ Tokyo đến Osaka, Kyoto và những thành phố khác ở Nhật Bản. Rất nhanh chóng, nó trở thành lựa chọn hợp lý hơn so với đi máy bay, xét về tính kinh tế.
Gần đây, Viện Nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp đường sắt và JR Tokai đã cho ra đời Linear Shinkansen. Đây được coi như một “phi thuyền ánh sáng” sử dụng nguyên lý Maglev (đệm từ trường) có thể đạt tốc độ 700km/h.
Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, ngành đường sắt Việt Nam từng là phương tiện vận chuyển chiếm ưu thế so với các loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, ngành này đang trở nên tụt hậu so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác.
Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), nếu khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 1995 chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và 7,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành giao thông vận tải thì năm 2018, thị phần đường sắt cả hàng hóa và hành khách chỉ chiếm dưới 1%.
Trong cơ cấu vận tải hành khách hiện nay, đường bộ chiếm tỷ lệ 72%, hàng không 22%. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu đi lại bằng đường sắt ở Việt Nam vẫn ngày càng tăng. Vào dịp nghỉ lễ, Tết, công ty đường sắt đều phải tăng chuyến, nối toa.
Nhiều nước trên thế giới xác định ngành đường sắt có vai trò xương sống trong giao thông vận tải, là yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí logistics. Do đó, ngành đường sắt nước nhà nên có đánh giá đúng mức vị trí quan trọng của đường sắt đối với sự phát triển kinh tế quốc gia để có những quyết sách táo bạo, đặc thù, giúp đường sắt phát triển đột phá.
Bài liên quan
Những con phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới
Đô thị thông minh - Xu hướng tất yếu của tương lai
Quốc gia đầu tiên trên thế giới miễn phí toàn bộ phương tiện công cộng