“Gieo hạt giống” cho quá trình chuyển đổi xanh
Lễ ra mắt Dự án "Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" tại Việt Nam được tổ chức tại trường Đại học Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, xói lở bờ sông và nhiều các nguyên nhân liên quan tới khí hậu khác.
Mặc dù vẫn luôn phải tìm cách để thích nghi và ứng phó với những ảnh hưởng này, đặc biệt là ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và môi trường, những người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang mong muốn tìm được cách thức phù hợp nhất.
“Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, tuy nhiên, đòi hỏi có sự hành động từ chính mỗi quốc gia kết hợp cùng các sáng kiến mang tính kết nối toàn cầu. Chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực công tác thanh niên và hành động vì khí hậu để hỗ trợ những người trẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kỹ năng và xây dựng các hoạt động cộng đồng.
Với sự kết hợp này chúng ta sẽ đồng hành cùng giáo dục về khí hậu để những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn”, bà Isobel Cecil, Giám đốc, Chương trình Kỹ năng về hhí hậu, Hội đồng Anh toàn cầu, chia sẻ.
“Tôi rất vui được học hỏi từ chính các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam và kết nối họ với các đối tác của chúng tôi ở Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Vương quốc Anh. Đây là một phần quan trọng trong vai trò của Hội đồng Anh trong nỗ lực đóng góp của Vương quốc Anh cho các hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
"Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" là chương trình hợp tác quốc tế do Vương quốc Anh chủ trì nhằm trang bị cho những người trẻ dễ bị tổn thương những kỹ năng cần thiết để có thể tham gia và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi xanh. Chương trình sẽ cung cấp nguồn lực cần thiết, xây dựng hoạt động cộng đồng do người trẻ dẫn dắt và xóa bỏ những rào cản giúp tiếp cận gần hơn với những công việc xanh, trang bị cho thế hệ trẻ kỹ năng và kiến thức để trở thành một phần của nền kinh tế carbon thấp.
Nhiều người trẻ ngày nay mong muốn được làm việc trong các ngành nghề mới nổi như công nghiệp xanh hay kỹ thuật số với mục tiêu trở thành chất xúc tác, đóng góp sức mình cho sự thay đổi bền vững, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong việc hiểu về cách tiếp cận những cơ hội này. Các cộng đồng dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, trong đó những người trẻ tuổi phải đối mặt với những hạn chế mang tính hệ thống trong việc làm thế nào có thể đóng góp sức mình cũng như có thể tham gia vào một nền kinh tế xanh hơn.
Dự án "Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" sẽ cùng đồng hành với những nguyện vọng và thách thức này, cung cấp các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư vấn cùng những kiến thức về khí hậu và những kinh nghiệm về hoạt động cộng đồng, trao quyền cho mỗi cá nhân hướng tới một tương lai thành công.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho biết: “Tôi rất hào hứng với dự án "Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" tại Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia Vương quốc Anh và Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan. Thông qua dự án, chúng tôi cũng sẽ áp dụng kinh nghiệm của mình trong việc thúc đẩy vai trò của giáo dục trong biến đổi khí hậu, kết nối mọi người với nhau để cùng chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm của mỗi người về biến đổi khí hậu và từ đó học hỏi lẫn nhau”.
Phó Giáo sư Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của thế hệ trẻ đối với sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long: “Để đạt được di sản chiến lược này, việc cung cấp dài hạn và toàn diện về năng lực khí hậu là điều không thể thiếu trong đó dự án "Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" đã và đang cho thấy tiềm năng to lớn để đạt được tầm nhìn đó. Tôi đánh giá cao các nhà tài trợ, đối tác và người tham gia dự án cũng như đã kêu gọi hành động từ tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức học thuật, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư nhân đến từng cá nhân để cùng nhau chung tay giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu”.
Dự án "Kỹ năng về khí hậu - Hạt giống cho chuyển đổi xanh" được thực hiện đến tháng hai năm 2026. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh hợp tác với Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ triển khai chương trình tại TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Kiên Giang. Dự án sẽ cùng làm việc với 2.000 người trẻ dễ bị tổn thương tại ba địa phương triển khai của dự án, cùng 300 nhà giáo dục, tập trung vào vai trò của giáo dục và hệ thống kỹ năng để truyền cảm hứng cho những tương lai xanh.