Gìn giữ các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền
Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm vun đắp tình yêu dân ca, nhạc cổ truyền dân tộc cho giới trẻ; Hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017- 2022.
Khách mời của chương trình là TS.Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng khoa Tuyên truyền Học viện Báo chí và Tuyên truyền và bạn Nguyễn Nam Giang – Giải A cuộc thi Tiếng hát Dân ca Thành phố Vinh 2016.
Chia sẻ tại chương trình, Nguyễn Nam Giang- Giải A Cuộc thi Tiếng hát Dân ca Thành phố Vinh 2016 cho biết, sau một lần tham gia cuộc thi hát dân ca của phường, cậu phát hiện bản thân có năng khiếu và đam mê với âm nhạc dân gian. Từ đó, Giang đi theo dòng nhạc này và gắn bó với nó.
Giang cho rằng, thời nay, không có nhiều bạn nghe dòng nhạc dân gian theo cách say mê, gắn bó nhưng các bạn có nghe, có quan tâm chứ không hề xa lánh. Ở trường cậu học có một chuyên ngành thanh nhạc. Sinh viên được tự lựa chọn các dòng nhạc khác nhau phù hợp với giọng hát của từng người, gồm có dân gian, thính phòng, nhạc nhẹ. 4 năm đầu, Giang được học thanh nhạc, 4 năm sau được đào tạo chuyên sâu về bộ môn dân ca.
Nguyễn Nam Giang chia sẻ: “Học trong trường được đi diễn rất nhiều, thậm chí còn không có thời gian để nghỉ. Mình đi diễn từ khi bắt đầu vào trường. Lần đầu tiên đi diễn ở Đại hội Đảng tại Sân vận động Mỹ Đình. Tuy sau buổi diễn đó khá mệt nhưng cũng rất hào hứng và vui”. Từ đó, niềm đam mê với dòng nhạc dân gian ngày càng bùng cháy trong chàng trai trẻ.
Nguyễn Nam Giang không theo dòng nhạc thị trường bởi giọng hát của bạn không phù hợp với dòng nhạc này. “Dòng nhạc thị trường mình hát chỉ để giải trí, còn mình sẽ vẫn luôn định hướng theo dòng nhạc dân tộc”, Giang nói.
TS. Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng khoa Tuyên truyền- Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, giới trẻ hiện nay không hề xa lánh mà còn tìm đến với nhạc truyền thống bằng sự đam mê. “Tôi nghĩ ngày nay âm nhạc cổ truyền sẽ không mai một mà có một khuynh hướng phát triển khác, vì nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn hóa nghệ thuật, các bạn trẻ”, TS. Hồng chia sẻ.
Theo TS. Hồng, có những bài hát đi cùng năm tháng, là những giai điệu tự hào của một thời kỳ, một giai đoạn. Đôi khi, chúng ta không nên đóng khung âm nhạc theo một lối cũ mà cần có sự phá cách phù hợp. TS. Hồng cho rằng, hát ru cũng là một trong những làn điệu dân ca cổ truyền.
Hát ru với hình thức là những câu hát gắn bó với tinh thần của người Việt, nhưng hiện nay hát ru đang dần bị mai một. Cần phải lưu giữ và phát triển hát ru. Hát ru chứa đựng tình mẫu tử, tâm tình của người mẹ, chưa đứng tâm hồn lành mạnh, nhân văn sẽ tạo nên dấu ấn đầu tiên và suốt đời cho trẻ.