Giới trẻ Châu Á ngày càng thờ ơ với chuyện kết hôn
Đại dịch làm thay đổi thói quen chi tiêu tại Châu Á - Thái Bình Dương Sinh viên RMIT đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương 8% thành phố Châu Á “thông minh về thực phẩm” |
Số lượng người độc thân tăng
Theo số liệu cuộc điều tra dân số lần thứ bảy của Trung Quốc vừa được công bố tuần trước, nước này có hơn 200 triệu người trưởng thành sống độc thân.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa cuộc sống độc thân với sự mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân này, tỷ lệ nam giới chiếm 51,24%; Nam nhiều hơn nữ giới tới 34,9 triệu người. Chênh lệch giới tính nam nữ trên tổng dân số ở tỉ lệ 105,07.
Tình trạng mất cân bằng giới tính dễ nhận thấy hơn ở các khu vực kém phát triển. Ví dụ, ở miền Tây Trung Quốc, số lượng nam giới độc thân trong độ tuổi từ 30 đến 39 đã tăng gần 12% trong giai đoạn từ những năm 2000 đến 2015.
“Nhiều phụ nữ nông thôn di cư đến các khu vực thành thị để làm việc và cuối cùng định cư ở đó. Điều đó khiến số lượng nam giới chưa kết hôn đông hơn phụ nữ đủ điều kiện kết hôn ở nông thôn”, nhà nghiên cứu Wang Guangzhou thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc chưa lập gia đình (Ảnh: AFP) |
Tuy nhiên, xu hướng trì hoãn lập gia đình hoặc lựa chọn cả đời không kết hôn cũng gia tăng trong một bộ phận giới trẻ. Họ có những cảm xúc phức tạp và đan xen đối với cuộc sống hôn nhân. Rất nhiều trong số đó cảm thấy cần sự tự do hơn và muốn được sống độc thân.
Yuan Zhaohui, một lập trình viên cho biết: “Nhiều người trong chúng ta không vội vàng kết hôn hay sinh con. Việc này tốn rất nhiều năng lượng và tiền bạc. Những quyết định như vậy ảnh hưởng đến mức sống của chúng ta”.
Đồng quan điểm, cô gái trẻ Claire Zhao tâm sự: “Cuộc sống hôn nhân và tình yêu không phải là điều cần thiết đối với tôi. Ngược lại, đó là điều cần thiết đối với các bậc ca mẹ. Có lẽ, tôi sẽ làm điều đó”. Vì vậy, cô đã đăng ký tham gia một trung tâm mai mối lớn ở Trung Quốc, điều mà cô chưa từng làm trước đây. Claire Zhao đã tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu ở Mỹ và đang làm việc với tư cách là nhà phân tích chiến lược. Cô gái trẻ đang trong độ tuổi thích hợp để lập nghiệp.
Zhao chia sẻ: “Tôi cũng gặp nhiều ông bố bà mẹ đến đây vì con trai và con gái của họ. Tôi tự hỏi liệu cha mẹ mình có đang trải qua điều tương tự không. Tôi thực lòng không muốn đặt họ vào hoàn cảnh này”.
Ở Trung Quốc, kết hôn trong một độ tuổi nhất định từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn. Các thành viên trong gia đình can thiệp rất nhiều vào vấn đề này. Do đó, lựa chọn sống độc thân sẽ đi kèm với một số áp lực từ xã hội.
Không mặn mà chuyện kết hôn và sinh con
Số lượng trẻ sơ sinh chào đời tại Hàn Quốc đang tiếp tục giảm vì thế hệ trẻ ngại kết hôn và sinh con (Ảnh: Reuters) |
Không chỉ ở Trung Quốc, thanh niên tại nhiều quốc gia Châu Á có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân, không màng đến chuyện hôn nhân, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp hay khao khát sự tự do.
Xứ sở kim chi được dự báo sẽ trở thành nước siêu già vào năm 2025 vì giới trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con.
Theo kết quả cuộc thăm dò do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện trên 7.100 người trong độ tuổi 9 - 24 và 4.800 người đang chăm sóc cha mẹ thì có 60,9% người trong khoảng 13 - 24 tuổi cho rằng hôn nhân là không cần thiết, tăng 11,9% so với kết quả khảo sát vào năm 2017. Trong đó, tỉ lệ ở nữ giới trên 65% và nam giới trên 57%.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 2 năm nay. Các chuyên gia nhận định kết quả khảo sát cho thấy trong những năm qua, thanh niên có xu hướng ngày càng gặp áp lực về mặt xã hội cũng như tài chính trong việc lựa chọn kết hôn và sinh con. Áp lực càng trở nên nặng nề hơn khi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế của đất nước nói chung và việc làm của giới trẻ nói riêng.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, trong tháng 1/2021, số lượng lao động có việc làm của Hàn Quốc giảm 980 triệu người xuống còn 25,82 triệu, giảm lần thứ 11 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 (với 1,28 triệu người mất việc). Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc đã tăng vọt lên 5,7%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một thách thức dân số khiến các nhà hoạch định chính sách buộc phải khẩn trương tìm cách giải quyết (Ảnh: AFP) |
Người trẻ Hàn Quốc là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này. Trong tháng 1/2021, nhóm người lao động trong độ tuổi từ 15 - 29 chứng kiến khoảng 310.000 việc làm biến mất do tình hình tồi tệ trong các ngành vốn sử dụng nhiều lao động trẻ như nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi này tăng 1,8 điểm phần trăm lên 9,5%.
Văn hóa làm việc nhiều giờ vốn phổ biến ở Hàn Quốc cũng đóng góp vào xu hướng này. Vài năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật cắt giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 xuống còn 52 giờ/tuần với hy vọng người trẻ vẫn có cuộc sống cá nhân sau giờ làm việc.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới khi người trẻ vẫn thờ ơ với chuyện kết hôn, sinh con.
Tại Nhật Bản, các cặp đôi mới kết hôn có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 yên để trang trải phí thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới từ tháng 4/2021.
Chương trình được triển khai nhằm khuyến khích giới trẻ ở Nhật Bản kết hôn, trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở nước này quá thấp. Nguyên nhân được cho là do xu hướng người trẻ kết hôn muộn hoặc không kết hôn.
Năm 2019, tại Nhật Bản có tổng cộng 865.000 trẻ ra đời - mức thấp kỷ lục và số con trung bình của mỗi phụ nữ ở Nhật Bản là 1,36. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật, khoảng 1/4 người dân trong độ tuổi từ 20 - 49 nhưng vẫn chọn độc thân, phần lớn vì thái độ xã hội cổ hủ và nặng nề về áp lực kinh tế.
Bên cạnh đó, một bộ phận người Nhật khác lại sợ lập gia đình vì tư tưởng đặt công việc lên trên hết. Họ mải mê làm việc đêm ngày và ngại tìm hiểu, tiếp xúc với người khác giới.
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản công bố năm ngoái, trong 10 người lao động ở độ tuổi 30 - 34, chỉ có 6 người kết hôn.