Giới trẻ “độ” xe, rủi ro rình rập
Giới trẻ và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt Giới trẻ Việt đua nhau làm streamer Giới trẻ đổ xô mua tiền ảo bất chấp cảnh báo |
Thú chơi ngông
Đi trên phố Thủ đô, không khó bắt gặp những cảnh một nhóm thanh niên dàn hàng hai, hàng ba nẹt pô ầm ĩ, rú ga khiến người đi đường khiếp sợ kèm theo những cái lắc đầu ngán ngẩm.
Trên mạng xã hội cũng thành lập một số hội, nhóm dành cho dân mê "độ" xe |
Các cửa hàng độ xe mọc lên như nấm, trên mạng xã hội các hội nhóm cho người chơi “độ” xe cũng được thành lập. Việc “độ” xe hiện nay đã trở nên dễ dàng như bao thú chơi khác của giới trẻ. Từ những chiếc xe máy cũ cho đến những chiếc xe vừa mới mua, các lò “độ” xe đã “hô biến” chúng thành thứ đồ chơi lập dị của giới trẻ trên đường phố với hình dáng khác lạ.
Để hiểu rõ về thú chơi này, chúng tôi đã tìm gặp anh Đỗ Quang Huy (30 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) một người có tiếng trong giới chơi xe “độ” tại Hà Nội.
Theo anh Huy, “Độ” xe có hai kiểu, một là độ ngoại thất, tức là thay đổi dáng xe cho đẹp, bắt mắt so với kiểu dãng cũ; Hai là độ máy móc để nâng cao tốc độ, cải thiện sức máy.
“Giới trẻ bây giờ thích “độ” máy hơn “độ” ngoại thất. Tùy vào mục đích của người chơi xe, khi đưa xe đến các lò “độ”, thợ xe sẽ tư vấn cũng như đưa ra các lựa chọn phù hợp ví dụ như để đi phượt, tham gia các giải đua hoặc đơn giản chỉ là muốn thể hiện cá tính của người chơi xe”, anh Huy nói thêm.
Theo chỉ dẫn của anh Huy, chúng tôi dạo qua một vòng các tuyến phố được biết đến với cái tên “phố độ xe” như Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), Phó Đức Chính, Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)… Tại đây, chúng tôi chứng kiến hoạt động sửa chữa, “độ” xe diễn ra nhộn nhịp, khách hàng chỉ cần có nhu cầu, các chủ tiệm đều có thể đáp ứng.
Giới trẻ bây giờ thích "độ" máy hơn "độ" ngoại thất xe |
Anh Ngô Mạnh Khải, chủ một tiệm “độ” xe tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết khách hàng đến đây, 10 người thì 9 người bổ máy làm lại để hợp với những cuộc “bão đêm”.
“Tùy vào mục đích của người chơi xe mà tôi làm thôi. Có người dùng nó để đi đua, người thì muốn mình phải nổi bật trên đường, thể hiện cá tính. Khách hàng phổ biến nhất vẫn là các thanh niên tầm 25 tuổi tìm đến “đôn nòng” để xe đạt tốc độ cao, thời gian tăng tốc ngắn với tiếng máy gầm rú”, anh Khải cho hay.
Ngồi chờ đợi đến lượt “độ” xe, Lê Hưng (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Mình mới mua xe được một tuần, hôm nay đem xe đến nhờ anh Khải “lên đời” giúp. Mình đang tính thay toàn bộ bóng đèn xe bằng bóng xenon siêu sáng, lắp thêm đèn gầm trang trí, gắn loa, thay pô. Quan trọng nhất thì vẫn là độ máy”.
Hòa vào câu chuyện, anh Khải vừa cười vừa nói, giới trẻ bây giờ “chịu chơi” lắm để đạt tốc độ tối đa cho xe, nhiều em chẳng ngại chi ra hàng chục đôi khi đến cả trăm triệu đồng để mua phụ tùng độ cho xe. Bạn bè đều “độ” mà mình không “độ” thì thành lạc quẻ.
Nguy cơ thành “xe điên”
Nhiều đêm bị trở giấc bởi tiếng nẹt pô, xé toang màn đêm tĩnh lặng, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng sống trên phố Bà Triệu (Hà Nội) chia sẻ: “Thật tình rất bức xúc mà không biết làm cách nào, cứ đều đặn từ 10 giờ đêm từng tốp từng tốp rú ga, nẹt pô điên đảo trên phố. Không chỉ nhà tôi có người già và con nhỏ mà những hộ sống trên phố này cũng đều bị ảnh hưởng bởi cái thú chơi quái đản này”.
Đa số bạn trẻ bổ máy làm lại để hợp với những cuộc “bão đêm” |
Khiếp sợ mỗi khi gặp những “quái xế” trên đường, chị Đinh Thu Hà, nhân viên vệ sinh môi trường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Có hôm, tôi làm ca đêm, đi thu gom rác từ trong ngõ đi ra thì có một bạn thanh niên phóng xe với tốc độ cao, nẹt pô phi tới. Không kiểm soát được tay lái nên đâm vào xe chở rác của tôi. May thay là cả hai hôm đó không bị làm sao”.
Tâm sự về thú chơi độ xe, anh Huy nói: “Độ kiểu gì thì kiểu, theo cách nào thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ, thậm chí cả độ an toàn của xe. Những người chơi độ xem đều biết điều này nhưng vì sở thích, vì muốn thể hiện cái tôi nên mọi người vẫn làm bất chấp”.
Không chỉ khiếp đảm với tiếng rú ga ầm ĩ, tiếng nẹt pô trong đêm, nhiều người tham gia giao thông còn bức xúc khi bị những ánh đèn pha chiếu thẳng vào mắt, ý thức bấm còi vô tội vạ của các “quái xế”.
Anh Đỗ Duy Linh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói trong bức xúc: “Đi đường không chỉ bị đèn pha chiếu thẳng vào mắt, nhiều bạn trẻ còn lắp đèn nháy led khiến những người tham gia giao thông như mình bị hạn chế tầm nhìn, nguy cơ rất dễ xảy ra các tình huống va chạm. Mình không bị cận mà còn thấy nhức mắt, khó chịu không hiểu những bạn đeo kính thì còn thấy khó chịu đến mức nào”.
Chưa kể, nhiều bạn “độ” xe, thay còi xe máy bằng còi ô tô, các bạn không có văn hóa bấm còi khi tham gia giao thông. Việc bấm còi inh ỏi không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn, hơn thế khiến nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ giật mình tay lái loạng choạng dễ dẫn đến những tai nạn không mong muốn.
Pháp luật Việt Nam hiện nay, chưa có quy định nào cho phép chủ xe thay đổi thiết kế ban đầu do nhà sản xuất xe đưa ra. Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Ảnh Internet |
Do đó, theo nhiều Luật sư, việc thay đổi kết cấu xe so với thiết kế ban đầu được chế tạo là hành vi trái với quy định của pháp luật. Thậm chí, ngay cả việc thay đổi màu sơn của xe, dù tem vẫn giữ nguyên tên xe và hãng sản xuất thì cũng bị xử lý do không đúng với giấy đăng ký.
Việc dễ dàng “độ” xe cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn. Bởi thực tế, trong thời gian qua, có không ít vụ việc, sau khi gây tai nạn, gây án, chủ thể vi phạm đã tìm đến các lò “độ” để thay đổi thiết kế, màu sắc, gắn biển kiểm soát giả… để né tránh lực lượng chức năng. Do vậy, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông cần vào cuộc tích cực nhằm xử lý nghiêm các xe vi phạm, từ đó ngăn chặn sự tràn lan của thú chơi này.
Giới trẻ sáng tạo kích cầu “giải cứu” nông sản từ vùng dịch |