Giới trẻ với câu chuyện rượu, bia và văn hóa giao thông
Hậu đại dịch, giới trẻ đang tích cực thay đổi lối sống Cuộc đua “điện thoại xịn, đồ hiệu, xe sang” của giới trẻ hiện đại Ảnh hưởng của các ứng dụng hẹn hò đến cuộc sống của giới trẻ |
“Ma men” và mối nguy hiểm khi tham gia giao thông
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ lượng rượu, bia cao trên thế giới. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Khi tình trạng sử dụng rượu, bia tăng cao, tai nạn giao thông (TNGT), các vụ án mạng, bạo lực cũng tăng theo mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Giới trẻ ngày nay đang tiếp xúc với bia, rượu từ quá sớm (Ảnh minh họa) |
Với giới trẻ hiện đại, việc tiếp cận với bia, rượu từ khi còn quá trẻ là điều không hiếm gặp. Nếu như trước kia, bia, rượu được sử dụng rượu một cách hữu ích trong việc chữa trị bệnh, duy trì sức khỏe, gợi cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật, thậm chí trở thành một trong những thú vui tao nhã… thì ngày nay, việc sử dụng nó trong các mối quan hệ xã hội với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang tạo ra những lo ngại và nguy hiểm tiềm tàng.
Chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém… nhiều người đã vô tình gieo những "án tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình.
Quan niệm xã hội sai lệch về vai trò của rượu, bia vẫn đang tồn tại. Chẳng hạn như nhiều người cho rằng đàn ông phải biết uống rượu, bia mới thể hiện được “bản lĩnh”, khiến cho nhiều bậc phụ huynh trong lúc đôi lúc cũng khuyến khích con mình “nhấp môi” vài chén trong những bữa tiệc vui. Thực tế, khi một người lớn lên trong môi trường mà người lớn, bố mẹ hay bạn bè thường xuyên uống rượu, bia thì họ sẽ coi đó là điều bình thường và làm theo.
Sử dụng bia, rượu là một nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông |
Ngoài ra, rượu, bia được bày bán, mua dễ dàng mọi lúc, mọi nơi nên dù người chưa đủ tuổi hay không được phép sử dụng vẫn có thể tiếp cận dễ dàng với những “loại men” này. Vì thế nhiều người đã quá chén đến mức say xỉn, không làm chủ được bản thân, dẫn đến những ứng xử thiếu văn hóa, gây rối an ninh trật tự và thậm chí dẫn đến những tệ nạn xã hội khác nghiêm trọng hơn.
Ngày càng có nhiều TNGT thảm khốc do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra có sử dụng chất kích thích, trong đó có rượu bia. Những vụ việc đó đã gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng cho chính những người tham gia giao thông đồng thời còn trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình, xã hội. Mỗi người khi tham gia giao thông không đơn giản là đang điều khiển một phương tiện đi lại, mà còn thể hiện văn hóa nhận thức, ứng xử, trình độ văn minh của con người.
Đừng đánh mất tương lai vì bia, rượu
Từng chứng kiến tận mắt vụ TNGT nghiêm trọng do việc sử dụng bia, rượu của một thiếu niên 16 tuổi gây ra, Nguyễn Thùy Trang (23 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bản thân cô thấy thực sự đáng lo ngại cho tình trạng lạm dụng bia, rượu của giới trẻ hiện nay.
Bạn trẻ Thùy Trang rất lo ngại về tình trạng lạm dụng bia, rượu hiện nay của một bộ phận giới trẻ |
“Dù biết việc sử dụng rượu bia đã trở thành thói quen của nhiều người nhưng những hậu quả như ngộ độc, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tăng nguy cơ phạm tội… khiến mình cảm thấy lo lắng.
Sớm tiếp xúc và sử dụng rượu, bia còn khiến các bạn trẻ dễ trở thành những người trưởng thành nghiện rượu cũng như sử dụng các chất gây nghiện khác trong tương lai. Điều đó ảnh hưởng đến chính bản thân người trẻ, gia đình và cả xã hội”, Thùy Trang chia sẻ.
Bạn Nguyễn Minh Hiếu (24 tuổi, nhân viên marketing) thì bày tỏ quan điểm: “Đối với mình, viêc từ chối bia, rượu mới là bản lĩnh của một người đàn ông. Khi mình có mục tiêu, quan điểm rõ ràng và yêu bản thân thì có thể nói không với bất cứ trường hợp nào.
Bạn trẻ Minh Hiếu (bên phải) cho rằng chính việc từ chối bia, rượu khi bản thân không muốn mới là cách để thể hiện bản lĩnh của một người trẻ |
Bản thân mình đã nhiều lần từ chối việc sử dụng rượu, bia. Hiện tại, mỗi cuộc vui nào có mình, bạn bè đều rất thoải mái, không ai ép và cũng không bị rủ đi uống nữa”.
Còn Bảo Linh (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Phương Đông) cho rằng, biết từ chối bia, rượu là một hành động ý nghĩa và có trách nhiệm với bản thân; Đặc biệt với những ai đang chuẩn bị điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay làm những việc khác.
Nhiều bạn trẻ sẵn sàng từ chối bia, rượu để bảo vệ an toàn cho chính bản thân và xã hội |
“Có rất nhiều người sau khi sử dụng bia, rượu sẽ tham gia giao thông hay có các hoạt động khác. Việc đó sẽ vô tình đặt chính bản thân họ và những người xung quanh vào tình huống thiếu an toàn.
“Mượn rượu” để giao tiếp hay xây dựng các mối quan hệ không chỉ là vấn đề xã hội mà còn ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam. Để thay đổi được điều đó phải bắt đầu từ các bạn trẻ, những người đã có nhận thức về vấn đề này. Nhận thức đúng đắn sẽ đưa ra những hành động đúng đắn để hạn chế những hệ lụy trong tương lai của việc sử dụng rượu, bia.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên ngay từ khi còn nhỏ cần phải sớm được trang bị những kiến thức xã hội mà trong đó là nhìn nhận một cách đúng đắn về rượu, bia. Uống rượu, bia sao cho đúng, trách nhiệm sau mỗi lần cầm ly là điều mà giới trẻ cần biết và phải biết, như một hành trang để bước vào đời. Muốn có được điều đó thì văn hóa từ chối rượu, bia phải cần được hình thành sớm từ văn hóa trong mỗi gia đình”, Phương Anh chia sẻ.