Giọt nước mắt chảy ngược - Bài cuối: Đừng để “mất mạng” vì thiếu ý thức khi tham gia giao thông
>> Tai nạn giao thông - Những giọt nước mắt chảy ngược
Bài 2: Nhanh một phút chậm cả đời
Vũ Thị Hằng (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông
Tôi đã từng đưa một người bạn vào bệnh viện cấp cứu vì bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn xảy ra bởi tài xế chiếc xe ô tô tải gây tại nạn cho bạn tôi đã uống rượu, bia trước khi lái xe. Điều đó cho thấy, việc lạm dụng rượu, bia vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe con người, mà sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới, tham gia giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông.
Tôi nhận thấy thực tế hiện nay, uống rượu, bia như trở thành thói quen đối với nhiều người, nhất là giới trẻ. Dù biết sau khi “chén chú, chén anh” là chặng đường về còn xa xôi, đông phương tiện giao thông nhưng họ vẫn mặc sức ép nhau uống và thể hiện bản thân.
Theo tôi tìm hiểu, chất cồn có trong rượu, bia ảnh hưởng lớn đến lái xe. Nó khiến cho con người giảm khả năng nhận biết, gây cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ, phán đoán và phản ứng chậm khi đối phó với các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Thậm chí người uống rượu bia sẽ liều lĩnh hơn, có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm như: Chạy quá tốc độ, vượt ẩu… Vậy nên, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc, bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh, chúng ta hãy nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Nguyễn Thị Vân (Phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): Không sử dụng điện thoại khi lái xe
Nhiều người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện, vừa nghe điện thoại, nhắn tin. Đó là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn lớn nguy cơtai nạn giao thông. Sử dụng điện thoại khi lái xe khiến chúng ta mất tập trung, khó có thể phản ứng kịp thời hoặc giật mình trước những tình huống bất ngờ và tai nạn là điều khó tránh khỏi. Thực tế, không hiếm gặp người mải mê nghe điện thoại khi qua đường, điều khiển xe chuyển hướng không báo hiệu, quên không dừng lại khi có đèn đỏ… gây mất an toàn cho bản thân và người khác. Không những vậy, đây còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, tạo cơ hội cho tội phạm cướp giật hoạt động.
Tôi được biết, Luật Giao thông đường bộ có quy định, cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, tình trạng người đang lái xe sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến. Theo tôi, nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, chúng ta hãy dừng hẳn xe vào lề đường hoặc vỉa hè để nhận cuộc gọi. Việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông thật sự không cần thiết. Hành động đó không những vi phạm luật an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và người khác tham gia giao thông.
Tôi cho rằng, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh. Vậy nên, chúng ta hãy không sử dụng điện thoại khi đang lái xe.
Nguyễn Quốc Giang (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội): Lực lượng chức năng xử lí nghiêm các hành vi vi phạm
Vấn đề hạn chế tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề nóng của toàn xã hội. Tôi nghĩ, cùng với việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ, giáo dục ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh thái độ tác phong khi tiếp xúc với nhân dân.
Lực lượng chức năng cần quyết liệt cưỡng chế đối với những hành vi vi phạm an toàn giao thông. Có như vậy mới tạo được tính bất ngờ và hạn chế sự chủ quan của người tham gia giao thông. Từ đó tạo thói quen cho người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông cần quyết liệt chấm dứt tình trạng xin xỏ trong quá trình xử lý vi phạm giao thông. Bởi như vậy sẽ làm cho người dân mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, thế nên mới có hiện tượng người dân chỉ sợ cảnh sát giao thông mà không sợ luật.
Theo tôi, lực lượng chức năng cần xử lý triệt để các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như: Xe chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường; xe hết niên hạn sử dụng, xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, nhất là phạt thật nặng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép…
Trịnh Thị Vui (Thanh Oai, Hà Nội): Tích cực tuyên truyền văn hóa giao thông
Theo tìm hiểu, tôi thấy, đối tượng bị tai nạn giao thông phần lớn là thanh niên. Bởi vậy, hơn ai hết, người trẻ chúng ta cần nhìn nhận thực tế, có ý thức trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và cộng đồng; tham gia giao thông có văn hóa. Đó cũng là những việc làm đơn giản, đảm bảo thực hiện đúng luật khi tham gia giao thông như: Đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đi đúng phần đường, làn đường quy định, không lạng lách, đánh võng, chở số người đúng quy định…
Bên cạnh đó, một việc làm rất quan trọng, mang lại hiệu ứng rộng rãi trong cộng đồng là mỗi người trẻ hãy trở thành tuyên truyền viên về văn hóa giao thông, giúp các bạn khác có ý thức trách nhiệm hơn, thấy được những tác hại khi không tham gia đúng pháp luật. Thiết nghĩ, nếu có điều kiện, người trẻ nên tham gia đội thanh niên tình nguyện về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ở đó, chúng ta sẽ có cơ hội được tham dự các khóa đào tạo điều phối giao thông, tuyên truyền vì an toàn giao thông...
Giới trẻ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên là lực lượng có sức tuyên truyền rất cao, đồng thời là thế hệ sẽ cải thiện tình trạng tai nạn giao thông lớn nhất, đẩy lùi sự thiếu ý thức trách nhiệm với tính mạng của chính mình và những người xung quanh. Vậy nên, mỗi người trẻ hãy chung tay vào việc tuyên truyền an toàn giao thông. Điều đó góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, có văn hóa khi tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn.