Giữ ý thức khi nuôi thú cưng để bảo vệ không gian chung
Đồng tiền hãy đi liền văn minh Văn hóa xếp hàng - đừng để bị "đánh số" bởi ý thức Dạy Teen Hà Nội về ý thức sử dụng phương tiện công cộng |
"Tài sản chung" của cả xóm
Từ ngày nhà bà Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) nuôi thêm mấy con mèo, cả xóm vui hơn hẳn, nhất là mấy đứa trẻ. Sinh ra, lớn lên tại thành phố, hầu hết những đứa bé này đều chỉ được ngắm chó, mèo qua TV, màn hình điện thoại, thỉnh thoảng được nhìn thấy thật ở ngoài đời nhưng chỉ thoáng qua. Giờ đây trong xóm có hẳn mấy con mèo đẹp như mơ, con thì mắt hai màu, con thì lông xám tro mềm mại, con lại tam thể 3 màu đen, vàng, trắng rất đáng yêu.
Bọn trẻ sáng ra trước khi đi học phải chạy qua chào, trước khi đi ngủ cũng lưu luyến tạm biệt mèo. Đi học thì thôi, lúc ở nhà thì chốc chốc lại chạy sang, bà Hoa cũng quý trẻ con nên hay mở cửa cho trẻ vào nhà chơi. Những lúc bà bận, mấy đứa đứng ngoài trò chuyện và tranh nhau đặt tên cho từng con mèo. Lũ mèo đã trở thành "tài sản chung" của cả xóm.
Nuôi thú cưng là nhu cầu chính đáng nhưng nên có ý thức giữ gìn cảnh quan khi dắt ra nơi công cộng |
Thích không kém là các bà, các mẹ. Con khóc, con lười ăn, con quấy nhiễu gì chỉ cần bà Hoa cho mèo ra sân chơi chung, cả lũ ngắm nghía chơi đùa một lúc là hết bát cháo, uống xong thuốc, tan cơn dỗi. Cả xóm cùng xúm vào giúp bà Hoa dọn nhà, đổ cát đi vệ sinh của mèo, hút bụi để tránh lông mèo làm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Những khi bọn mèo chạy ra khỏi nhà, tất cả đều "tổng huy động" lực lượng đi tìm về.
Không được tưng bừng như xóm nhà bà Hoa, những năm trước, ngõ nhà ông Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) lại có một "nỗi ám ảnh kinh hoàng" vì mấy con chó mà ông nuôi. Những con nhỏ thì chốc chốc lại chạy ra "bĩnh" lung tung. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ chỗ thì lổn nhổn vài cục "bom", chỗ lại lênh loáng vài bãi nước bốc mùi. Người lớn thì hạn chế ra ngoài được nhưng bọn trẻ con hiếu động nào đạp xe, nào đá bóng, nào nhảy dây... mà đứng chỗ nào cũng có thể "gặp nạn".
Cả xóm phàn nàn rất nhiều lần, thậm chí đến tận nhà góp ý nhưng ông Hải vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần những người trong xóm đã phải to tiếng dẫn đến cãi cọ nhưng ông Hải vẫn không nghe. Từ việc nuôi chó này mà quan hệ của ông và hàng xóm láng giềng không còn được vui vẻ, hòa thuận như trước nữa.
Kể từ khi loa truyền thanh của phường thường xuyên tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cùng với tổ dân phố thường xuyên phổ biến, góp ý, ông Hải dần dần nhận thức rằng việc mình thả rông chó gây mất vệ sinh ngõ xóm là không đúng quy định và gây ảnh hưởng người khác.
Sự thay đổi đó cũng phải có một quá trình, không phải một sớm, một chiều. Ban đầu ông hạn chế không mở cửa để chó đi vệ sinh trong nhà. Sau đó, những lúc chúng lẻn ra ngoài chạy loăng quăng và phóng uế ra thì ông Hải cặm cụi đi dọn, đổ xỉ than lên và xối nước dội sạch.
Những việc làm đó của ông Hải mọi người đều nhìn thấy và ghi nhận. Từ đó sự hục hoặc không còn, mọi người nhìn thấy ông chào hỏi niềm nở. Cũng từ việc làm của ông Hải mà mọi người bảo nhau chăm chỉ quét dọn đường đi lối lại trong ngõ hơn. Trước đây thường chỉ vào cuối tuần cả xóm tập trung dọn dẹp hoặc ngày thường mọi người chỉ quét trước cửa nhà mình thì nay cứ ai rảnh mà thấy chỗ nào bẩn thì tự giác mang chổi, mang nước ra quét và rửa sạch sẽ.
Tự giác vì không gian chung
Thời gian qua, hiệu quả từ việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, việc thả rông vật nuôi, đặc biệt là những vật nuôi nguy hiểm đã được hạn chế rõ rệt. Nếu như những năm trước đây tại công viên, vườn hoa, vỉa hè, sân chơi... chúng ta vẫn bắt gặp người dân dắt chó đi dạo và nhiều người khiếp sợ bởi có con thuộc giống hung dữ, vóc dáng to lớn gầm gừ đe dọa người lạ thì nay hầu hết chó dữ đều được đeo rọ mõm cẩn thận.
Hàng ngày, nhất là vào dịp cuối tuần, hình ảnh những gia đình dắt chó đi dạo, những cô bé, cậu bé nô đùa với thú cưng trong công viên, trên sân chơi đem lại những khoảng khắc rất đẹp cho Hà Nội. Điều đó cho thấy người dân nơi đây yêu quý động vật, thích sống chan hòa với thiên nhiên.
Việc cho chó phóng uế ra không gian chung như thế này rất đáng bị lên án |
Chó, mèo và các con vật nói chung đều có thể là những thành viên trong các gia đình. Với trẻ nhỏ, thú cưng là bạn bè thân thiết còn đối với người già, con chó, con mèo còn là nguồn vui. Nuôi động vật là nhu cầu chính đáng của mỗi người song vì niềm vui của mình mà khiến người khác mất vui thì lại là câu chuyện khác.
Mặc dù đa phần người Hà Nội đều đã ý thức hơn nhưng đó đây vẫn còn một vài trường hợp khiến người xung quanh bực mình. Chẳng hạn, trước cổng trường nọ, một bà mẹ đi đón con tranh thủ đưa chó đi để... vệ sinh. Chị vừa đỗ xe lên vỉa hè, con chó nhỏ nhảy tót xuống, quen lệ chạy loăng quăng rồi ghếch chân tè một bãi lên gốc cây. Sau đó nó chạy lung tung khắp nơi. Bà mẹ vừa nhìn điện thoại vừa chốc chốc lại ngó ra xem con chó chạy đi đâu để quát gọi về.
Những người chờ đón con ở đó đã hiểu tại sao trên vỉa hè có nhiều chất thải của vật nuôi như vậy. Hóa ra, "một công đôi việc", cái sự tưởng chừng tiện lợi đó của người phụ nữ kia đã góp phần khiến cả đoạn vỉa hè dành riêng để phụ huynh dựng xe đứng chờ đón con trở thành "nhà vệ sinh" bất đắc dĩ của những chú thú cưng. Đó cũng là lí do tại sao bố mẹ dắt con về đều phải nhắc nhở con chú ý dưới chân để khỏi "mang bom" về nhà.
Như vậy, ý thức của một số người dân khi nuôi động vật vẫn chưa thực sự tự giác, chưa biết vì cái chung. Trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, sự giám sát của lực lượng chức năng cũng như chính những người nhìn thấy sự việc tương tự. Có như thế thì môi trường đô thị mới được đảm bảo xanh, sạch, đẹp và việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng mới đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa.