Giúp người khuyết tật truyền cảm hứng về lối sống xanh
Vui Tết cùng người khiếm thị, khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh Khám sức khỏe cho người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo Người khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận việc làm phù hợp |
TP Đà Nẵng thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật trong bảo vệ môi trường |
Nhằm góp phần vào thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố Môi trường”, Hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tổ chức hội thảo nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng cho hay, đối với Đà Nẵng công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Trong thời gian qua có một số tổ chức doanh nghiệp tổ chức cho người khuyết tật thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Do đó, các Sở, ban ngành cũng cần chú ý hơn để hỗ trợ cho người khuyết tật có thể cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho mình.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng mong muốn các Sở, ngành chú ý hơn hỗ trợ cho người khuyết tật cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường |
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về các chương trình, đề án có sự tham gia của cộng đồng người khuyết tật; định hướng chiến lược của thành phố đối với công tác xử lý rác nói chung, rác thải vải nói riêng; đồng thời, thảo luận về việc làm sao để thúc đẩy sự phối hợp của các bên liên quan giúp nâng cao vai trò, hỗ trợ người khuyết tật tham gia tốt hơn các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong đó, các hoạt động chú trọng chương trình tái chế rác thải vải và các sản phẩm thân thiện môi trường của người khuyết tật tại 4 tỉnh: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Các chương trình tái chế rác thải vải và các sản phẩm thân thiện môi trường của người khuyết tật không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp họ tăng thêm thu nhập |
Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (Cormis) lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng và tạo sinh kế cho các chị em khuyết tật |
Qua đó, làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng về vai trò và khả năng của người khuyết tật, giúp người khuyết tật tự tin, truyền cảm hứng về lối sống xanh và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình như việc dụng phế phẩm vải vụn được thải ra từ các xưởng may và sáng tạo ra các sản phẩm thủ công là cách mà Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (Cormis) thực hiện gần 5 năm qua. Những mảnh vải nhỏ đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng và tạo sinh kế cho các chị em khuyết tật.
Giám đốc Trung tâm Cormis, bà Mai Thị Dung cho rằng bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phế phẩm để sáng tạo thành các sản phẩm có giá trị |
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (Cormis) Mai Thị Dung cho biết, các nhà may làm ra sản phẩm thủ công thường thải bỏ một lượng vải vụn rất lớn.
Bên cạnh đó, những sản phẩm hết giá trị sử dụng, thay vì vứt bỏ hay đốt chúng, để đỡ lãng phí và gây ảnh hưởng đến môi trường, trung tâm tận dụng để tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ và ứng dụng trong cuộc sống.
Việc làm này cũng nhằm lan tỏa thông điệp sống xanh, bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phế phẩm để sáng tạo thành các sản phẩm có giá trị. Những chiếc ví cầm tay, túi xách, túi đựng laptop, dây buộc tóc... có cách phối màu đầy ấn tượng cùng đường may sắc sảo nhưng không kém phần nữ tính và mềm mại.
Chị Đặng Thị Bé (50 tuổi, trú quận Sơn Trà) có đôi chân bị khuyết tật từ nhỏ và thị giác kém, khó nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Công việc của chị chủ yếu là sửa áo quần tại nhà.
“Đến với Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng, tôi được mọi người hỗ trợ để có công việc ổn định. Đây là hoạt động làm các sản phẩm thủ công tái chế từ vải vụn bỏ đi, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp người khuyết tật như tôi có thêm thu nhập. Mỗi tháng, bên cạnh số tiền tôi kiếm được từ việc sửa áo quần tại nhà, tôi có thêm nguồn thu nhập khi tham gia tái chế” chị Bé tâm sự.
Chị Đặng Thị Bé có thêm nguồn thu nhập khi tham gia tái chế các sản phẩm từ vải vụn |
Mọi việc bắt đầu thì có vẻ hơi khó, đòi hỏi mỗi người phải có sự tỉ mỉ, sự sáng tạo thì mới làm ra được những sản phẩm đẹp. Tuy nhiên, khi đã quen tay thì các sản phẩm làm ra ngày càng sắc sảo và đa dạng hơn.
Những người khuyết tật mong muốn truyền cảm hứng đến mọi người, khi nghĩ đến rác thải là nghĩ ngay đến sản phẩm đẹp, thông qua đó cùng nhau bảo vệ môi trường xanh.
Ngoài ra, người khuyết tật được thoải sức sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo của mình. Họ cảm thấy được tiếp thêm động lực sống, bớt tự ti, và đặc biệt công việc của họ góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, tái chế những vật dụng đã bỏ đi.
Do đó, việc làm sao thúc đẩy sự phối hợp của các bên liên quan giúp nâng cao vai trò, hỗ trợ nhau trong thời gian tới nhằm tăng cường tốt hơn sự tham gia chủ động của người khuyết tật trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chú trọng hỗ trợ các hoạt động tăng sinh kế bền vững trong chương trình tái chế rác thải vải và các sản phẩm thân thiện môi trường của người khuyết tật tại các tỉnh, thành Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam cần hơn nữa sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để các sản phẩm thân thiện với môi trường được tiếp cận tốt hơn.