Hạ nguồn sông Mekong: Khi ngư trường vắng bóng tôm cá…
Hoạt động khai thác cát đang phá hủy dòng sông Mekong Hợp tác định hướng chương trình an toàn thực phẩm tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng |
Do khô cạn, những chiếc thuyền nằm im ở làng Kampong Khleang, một nhánh sông nối với Biển Hồ (Ảnh: Reuters) |
Chậm hơn so với mọi năm
Theo nhà chức trách Campuchia, nước từ sông Mekong về Biển Hồ có thể sẽ không xuất hiện cho đến tháng sau do tình trạng hạn hán và các đập thủy điện tại Lào và Trung Quốc. Đây được cho là nguyên nhân làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong.
Nước sông Mekong ở khu vực giao với Biển Hồ thường dâng lên vào mùa mưa, tạo dòng chảy ngược về Biển Hồ. Do đó, vùng hồ này luôn đầy nước và mang theo nguồn cá trù phú, nhờ đó tạo sinh kế cho hàng triệu người. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng nước chảy ngược này vẫn chưa xảy ra, khiến những người dân vốn sống dựa vào Biển Hồ gặp khó khăn.
“Tôi đã đi câu trong hai đêm và không thể bắt đủ cá”, Khon Kheak - một ngư dân tại làng chài nổi Kampong Khleang chia sẻ. Chuyến đi đó đã mang về cho anh 12.000 riel, tương đương khoảng 3 USD, thấp hơn so mức với 12 - 25 USD mỗi ngày vào năm ngoái - đủ để nuôi sống gia đình sáu người của anh.
Biển Hồ (Tonle Sap) là hồ lớn nhất ở Đông Nam Á (Ảnh: Reuters) |
“Nếu tình hình tiếp tục như vậy, chúng tôi biết phải làm sao đây. Chúng tôi còn nợ tiền của những người khác nữa”, Reth Thary, vợ Khon Kheak lo lắng khi nhắc đến khoản nợ 1.000 USD.
Dòng nước từ sông Mekong thường đổ về Biển Hồ trong 120 ngày, làm mực nước tại đây dâng lên gấp 6 lần so với bình thường, trước khi nước trở lại sông Mekong khi mùa mưa kết thúc, thường vào cuối tháng 9.
Dựa trên dự báo và dữ liệu lượng mưa, ông Long Saravuth, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Mekong quốc gia của Campuchia cho biết, dòng chảy có thể xuất hiện vào tháng 8 năm nay. Ủy hội sông Mekong (MRC) cũng khẳng định dòng chảy sẽ đến muộn từ năm nay.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho rằng một phần sự chậm trễ này là do lượng mưa năm 2019 ít cùng hoạt động các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, gồm hai đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
“Từ giờ trở đi, thời gian dòng chảy ngược có thể sẽ không giống như trước đây”, đại diện MRC cho biết.
Cung cấp nguồn protein chính
Trong khi đó, Lào và Trung Quốc cho rằng các con đập mang lại lợi ích kinh tế quan trọng và điều tiết dòng nước, giúp ngăn chặn lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngư dân Campuchia đang muốn Chính phủ nước này thương lượng để các đập trên xả nước, cứu khoảng 2.000 hộ gia đình ở Kampong Khleang khi mà nguồn mưu sinh của họ phụ thuộc vào Biển Hồ.
Ở Campuchia, các cộng đồng đánh bắt cá dọc theo biển hồ Tonle Sap - ngư trường nội địa lớn nhất thế giới. Ở đó, người Campuchia đánh bắt cá và cung cấp tới 70% lượng protein của họ - báo cáo lượng cá đánh bắt thấp hơn 80 - 90% so với thông thường.
Biển Hồ cạn khô nước khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp khó khăn (Ảnh: Reuters) |
“Chúng tôi không đánh bắt được gì. Không có nước, không có cá”, một ngư dân nói.
Ngay cả khi không có đại dịch Covid-19 làm hạn chế du lịch quốc tế, việc thu hút du khách đi thuyền từ Kampong Khleang, vốn tiếp đón khoảng 600 người/ngày, cũng không có hy vọng.
Văn phòng du lịch địa phương đã bị bỏ hoang, cỏ mọc vây kín. Khoảng 130 thuyền chở du khách bị bỏ không.
“Người dân Kampong Khleang đang là ngư dân không có cá”, Ly Sam Ath, chủ thuyền chở du khách nói và cho biết “họ cũng không thể làm ruộng”.
Mekong là một trong những con sông lớn nhất, là kế sinh nhai quan trọng cho 60 triệu người dân Châu Á đang bị thu hẹp dần. Theo báo cáo của MRC, cá chiếm đến 82% nguồn protein động vật mà người dân sống dọc sông Mekong tiêu thụ. Các nước ở hạ nguồn sông Mekong đang phải chịu hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy. Trong mùa mưa 2019 (từ tháng 6 đến tháng 10), mực nước sông thấp kỷ lục tại các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong. Đầu năm nay, mực nước ở sông Mekong khi chảy qua tỉnh Đông Bắc Thái Lan đo được chỉ còn từ 1 - 1,5m, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tình trạng này không những khiến sản lượng đánh bắt giảm mà còn buộc các tàu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các khu vực biên giới Thái Lan - Lào phải thay đổi hướng đi và giảm công suất chở hàng. Một số khu vực dân cư đông đúc của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn không có nước ngọt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nhiều, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. Dự báo tình trạng thiếu nước trên sông Mekong sẽ còn diễn tiến nghiêm trọng, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề do các loài thủy sản không thể di cư ngược dòng để sinh sản. Vì thế, cuộc sống của ngư dân sẽ còn vô cùng khó khăn. |