Hà Nội có 13 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm
Bài liên quan
Hà Nội: Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
Gạo hữu cơ Đồng Phú: Sản phẩm OCOP 4 sao hướng tới thị trường xuất khẩu
Hệ thống sản phẩm OCOP tiêu biểu của ngành Nông nghiệp Thủ đô
Phát triển sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Sữa Phù Đổng”
Rau mầm Thanh Hà: Sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Thường Tín
Phát triển tiềm năng cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, hiện nay toàn thành phố Hà Nội có 1.151 hợp tác xã nông nghiệp; Trong đó có 1.066 hợp tác xã đang hoạt động (chiếm 92,6%); 85 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 7,4%).
Trong tổng số 1.066 hợp tác xã đang hoạt động có 315 hợp tác xã trồng trọt (chiếm 29,6%); 60 hợp tác xã chăn nuôi (chiếm 5,6%); 650 hợp tác xã tổng hợp (chiếm 61%); có 32 hợp tác xã thủy sản (chiếm 3%); 2 hợp tác xã lâm nghiệp (chiếm 0,2%) và 6 hợp tác xã nước sạch nông thôn (chiếm 0,6%).
Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố Hà Nội có 13 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới (Ảnh minh họa) |
Tổng số cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành trong hợp tác xã nông nghiệp là 6.563 người. Tổng số thành viên của hợp tác xã là 450.355 thành viên, thành viên hợp tác xã tăng do các hợp tác xã thành lập mới. Tổng số lao động thường xuyên là 38.258 người, bình quân lao động thường xuyên của 1 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn 35,7 người mỗi hợp tác xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố dịch bệnh, thời tiết... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp như giảm sản lượng, doanh thu. Thu nhập của thành viên, người lao động cầm chừng, không ổn định, đặc biệt là các hợp tác xã chăn nuôi gia cầm, các hợp tác xã nông nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái...
Nguyên nhân được chỉ ra là bởi dịch Covid-19 đã khiến các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khó khăn trong mua nguyên liệu đầu vào, thị trường bị thu hẹp. Tài chính khó khăn do sản xuất không tiêu thụ được. Trong khi đó, các hợp tác xã nông nghiệp chuyên cung ứng nông sản, thực phẩm cho bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn... chuỗi tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ. Nguồn cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất giảm; Gần 70% các hợp tác xã không nhập được giống cây trồng từ Trung Quốc...
Dịch Covid-19 đã khiến các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khó khăn trong mua nguyên liệu đầu vào, thị trường bị thu hẹp |
Các hợp tác xã có kinh doanh chợ, số hộ kinh doanh mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm trong chợ giảm sút, đóng cửa do không có đủ nguồn cung cấp hàng hóa để bán tại chợ. Hợp tác xã kinh doanh nước sạch sản lượng nước sạch cung cấp giảm do các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng cho sinh viên nghỉ học, nghỉ làm... nên doanh thu giảm.
Thống kê sơ bộ về thiệt hại kinh tế, dịch Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực. Doanh thu của hầu hết các hợp tác xã trong quý I đã giảm và quý II/2020 ước sẽ tiếp tục giảm.
Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp giảm 10%; Lĩnh vực thương mại - dịch vụ giảm từ 20 - 50%. Trong khi các hợp tác xã thực hiện dịch vụ nội bộ, dự kiến giảm 10%; Hợp tác xã lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giảm 10%.
Chăm sóc đàn lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) |
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm,gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên.
Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và trật tự an ninh. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác, làm theo tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường. Trong những năm gần đây HTX, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên so với nhu cầu của nông nghiệp thì chưa đáp ứng được.
Do đó, thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới, tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX, nâng cao hơn nữa vai trò của HTX đối với sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.