Hà Nội đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp Tết 2021
Quang cảnh hội nghị |
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Trần Phương Lan, để đảm bảo hàng hóa phục vụ Nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở đã xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đến các đơn vị.
Đến nay, có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ Nhân dân thông qua 12.443 điểm bán hàng, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi; 7.680 cửa hàng tạp phẩm; 1.438 điểm bán tại các chợ...
Dự kiến, trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố khoảng 292.500 tấn gạo; 56.700 tấn thịt lợn; 18.900 tấn thịt gà; 18.459 tấn thịt bò; gần 400 triệu quả trứng gia cầm; 315 nghìn tấn rau củ...
Các đơn vị trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, tăng trung bình 7 - 22% so với kế hoạch Tết năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Trần Thị Phương Lan thông tin tại hội nghị |
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước.
Từ nay, đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công thương sẽ tập trung hướng dẫn các đơn vị đăng ký và tổ chức các chương trình khuyến mại, tổ chức hội chợ Xuân đã được cấp phép. Trong đó, Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 được tổ chức trong tháng 1/2021 với quy mô 200 gian hàng; Hội chợ Xuân Tân Sửu 2021 với quy mô 100 gian hàng được tổ chức trong tháng 2/2020; Toàn thành phố cũng có 88 hội chợ hoa Xuân; Các doanh nghiệp cũng tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 455 chợ, 142 siêu thị, trên 1.800 cửa hàng tiện ích...
Còn theo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị đã dự trữ hàng hóa với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài 12 nhóm mặt hàng thiết yếu, đơn vị còn chủ động dự trữ thêm các mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...), hoa quả, các loại hạt...
Điểm mới trong năm nay, ngoài việc bán hàng tại 12 điểm bình ổn, Hapro còn tổ chức bán hàng online qua các kênh như website, Facebook, Zalo, Viber... và giao hàng tận nhà cho khách hàng; Bán hàng theo hình thức B2B, tổ chức các gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết...
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin tại hội nghị |
Về công tác quản lý thị trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, trong năm 2020, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tổng số 5.771 vụ, đã xử lý 5.616 vụ với tổng số tiền xử lý trên 133,5 tỷ đồng.
Riêng trong tháng cao điểm Tết (từ 15/11/2020 - 15/12/2020), Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 793 vụ việc, đã xử lý 677 vụ việc, tổng số tiền xử lý 9,135 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính gần 4 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 1,416 tỷ đồng và tiêu hủy, tái chế, buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa trị giá 3,721 tỷ đồng.
Trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tập trung đấu tranh, phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm, đặc biệt là thuốc lá và pháo, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu...; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, các điểm tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng...