TP HCM: Hơn 7.000 tỷ đồng bình ổn thị trường hàng hóa Tết
Theo đó, hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, thịt gia súc gia cầm, trứng, muối, đường...) chủ yếu từ 3 nguồn chính: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30 - 40% thị phần; Các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần và các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đều đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết - |
Năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách với sự tham gia của 80 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với nguồn vốn năm ngoái
Trong đó, giá trị hàng hóa bình ổn là 7.132,6 tỷ đồng; có nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 - 54,5% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt gia súc… Các doanh nghiệp tham gia bình ổn cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng trong 1 tháng trước và sau Tết; Giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết với nhiều mặt hàng thiết yếu.
Nguồn hàng tại ba chợ đầu mối, lượng hàng hóa dự kiến nhập bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ ngày.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị hàng với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.
Hệ thống siêu thị sẽ kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể: từ 20 - 27 tháng Chạp, mở cử từ 7h - 23h; từ 28 - 29 tháng Chạp, mở cửa từ 6h - 24h; ngày 30 tháng Chạp, mở từ 6h - 12h trưa; Khai trương năm mới từ 8g sáng mồng Hai Tết Nguyên đán; Từ mồng Hai đến mồng Năm Tết mở cửa từ 8h đến 12h; Từ mồng Sáu hoạt động kinh doanh bình thường.