Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Hà Nội rất lớn
Với dân số khoảng 10,5 triệu người nên nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân Thủ đô là vô cùng lớn.
Thống kê của Sở Công thương Hà nội cho thấy, nhu cầu gạo của người dân Hà Nội trong 1 tháng khoảng 92.970 tấn, trong khi khả năng Hà Nội tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu; Nhu cầu thịt lợn hơi khoảng 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); Thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn);
Đối với mặt hàng thủy hải sản tươi, đông lạnh, mỗi tháng Hà Nội cần khoảng 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 10.350 tấn, chủ yếu là thủy sản nước ngọt, các mặt hàng thủy sản nước lợ và nước mặn nhập từ các tỉnh 2.000 tấn/tháng).
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến khá cao, khoảng 5.165, trong khi đó, khả năng tự cung ứng chỉ khoảng 1.000 tấn, đáp ứng 19% nhu cầu; Rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); Trái cây cần khoảng 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); Trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu).
Với dân số khoảng 10,5 triệu người nên nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân Thủ đô là vô cùng lớn |
Hiện, lượng hàng hóa thiết yếu Hà Nội còn thiếu (gạo, rau củ, thịt bò, thủy sản tươi, đông lạnh, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây… các loại) được doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với vai trò xúc tiến thương mại, Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ giới thiệu nguồn cung từ các tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến, trực tiếp với các địa phương tổ chức để kết nối, tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc biệt sản phẩm trong mùa vụ để kết nối, đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ.
Trong 9 tháng năm 2021, Hà Nội đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của 24 tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Kạn, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau, Nghệ An, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hà Giang, Bình Phước và Khánh Hòa.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương kết nối tiêu thụ thông qua các hình thức: Kết nối các sản phẩm của các tỉnh, thành phố vào kênh phân phối hiện đại của thành phố (trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi…), các sàn thương mại điện tử (Lazada, Amazon, Shopi, Sen đỏ, Tiki)… trên địa bàn; Kết nối thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể ( thanh niên, phụ nữ)...
Trong 9 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố gần 200.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.
Tiếp tục thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để tiếp tục thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các địa phương từ nay đến cuối năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của Nhân dân. Trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Sở Công thương sẽ tập trung triển khai các nội dung hỗ trợ kết nối, lưu thông hàng hóa.
Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân |
Cụ thể, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở giới thiệu danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã... đã được các địa phương cung cấp đến các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Hà Nội để hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Đồng thời, Sở sẽ tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các tỉnh (trong điều kiện cho phép); Đa dạng hóa các hình thức kết nối tiêu thụ trên địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất và kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, Sở sẽ tăng cường kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử (35 sàn thương mại điện tử, 565 các hệ thống phân phối có hình thức kinh doanh thương mại điện tử); Triển khai các chương trình khuyến mại tập trung, các hình thức khuyến mại, các sự kiện để kích cầu tiêu dùng các tháng cuối năm.
Ngoài ra, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các xe, phương tiện chở hàng hóa, nông sản, đảm bảo quy định công tác phòng chống dịch được lưu thông thuận lợi trên địa bàn thành phố, cung ứng cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, thành phố và hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.