Hà Nội đẩy mạnh sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao
Thay đổi cuộc sống nhờ cây chè
Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một vùng đồi núi mờ sương. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu trong lành, những nương chè nơi đây xanh mướt quanh năm, để rồi kết tinh thành “Đệ nhất trà Hà thành” với hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt.
Để được định danh như hiện nay, vùng chè Ba Trại trải qua không ít thăng trầm, có thời điểm tưởng chừng đứng trước nguy cơ bị phá bỏ… Không phụ công người, cây chè đã mang lại sự sung túc cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Cứ, thôn 3, xã Ba Trại - một trong những hộ trồng chè lâu đời nhất tại đây cho biết: Ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng (năm 1954), gia đình tôi là một trong những hộ dân đầu tiên đến sinh sống tại Ba Trại.
Chè Ba Trại so với nhiều vùng chè khác của Thủ đô có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời Ba Trại cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây...
Nhờ cây chè, cuộc sống của bà con Ba Trại dần bớt khó khăn và từng bước vươn lên làm giàu |
Chị Vũ Thị Tâm (Ba Trại, Ba Vì) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 1,5 mẫu chè nhưng bỏ mặc hàng chục năm, không chăm sóc. Đến năm 2010, được ngành Nông nghiệp hỗ trợ, đưa giống mới vào trồng và cải tạo những vườn chè già cỗi...
Nay cũng vẫn 1,5 mẫu chè đó, hằng năm, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP thì giống chè mới cho năng suất cao gấp 3 lần so với giống cũ, chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau 5 năm, từ hộ nghèo, gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”.
Cũng như gia đình ông Cứ, chị Tâm... nhờ cây chè, cuộc sống của bà con Ba Trại dần bớt khó khăn và từng bước vươn lên làm giàu. Đến nay, Ba Trại có 471ha trồng chè, trong đó gần 20ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; Hiệu quả kinh tế đạt 170 - 220 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, hiện nay, Ba Trại có 9/9 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Loại cây này thực sự trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho Ba Trại. Nhờ vậy, từ năm 2017, Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện, thu nhập bình quân của Ba Trại đạt 41,75 triệu đồng/người/năm...
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chè
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có 356ha chè sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao (chiếm tỷ lệ 10,2% diện tích), trong đó 30ha ứng dụng đồng bộ công nghệ cao; 186ha sử dụng giống mới giá trị và chất lượng cao; 90ha sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược; 30ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm…
Đánh giá của ngành Nông nghiệp Thủ đô cho thấy, các mô hình trồng chè ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống. Cùng với đó, các ngành chức năng thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm chè…
Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã có vốn đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè… Giờ muốn cây chè phát triển bền vững phải sản xuất chè sạch, bảo đảm chất lượng. Ngay cả những vùng chè chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP, người dân cũng bảo nhau trồng theo quy trình chè sạch.
Các mô hình trồng chè ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống |
Không chỉ tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, những nương chè Ba Trại đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Những năm gần đây, Ba Trại bắt đầu đón những đoàn khách tới tham quan khu vườn trồng chè và trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công.
Được tận mắt ngắm những nương chè xanh mát, trải dài, uốn lượn theo triền đồi giữa không gian trong lành, thơ mộng đặc biệt được tự tay hái chè, sao chè và mang về làm quà khiến nhiều du khách thích thú. Qua đó, có thể thấy, mô hình sản xuất chè sạch, giá trị cao gắn với du lịch sinh thái tại Ba Trại đang là hướng đi hiệu quả và là cách quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm này.
Theo lãnh đạo địa phương cho biết, thời gian qua, Ba Trại đã xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân về định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề chè. Một số đường làng đã được trồng hoa, cây cảnh tạo điểm nhấn cho khách du lịch đến với Ba Trại có cảm giác được đến với làng quê tươi đẹp.
“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh du lịch cộng đồng, đặc biệt là các vùng sản xuất chè, vận động bà con Nhân dân chỉnh trang đường làng ngõ xóm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây chè theo hướng sạch và an toàn, từng bước tuyên truyền bà con nhân dân dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo việc sử dụng thuốc trừ sâu an toàn.
Chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng chè VietGap, toàn xã hiện có 4ha và đang tiến tới nhân rộng mô hình này với hướng 10ha chè VietGap, 40ha chè an toàn”, ông Hoàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết.
Có thể nhận thấy rằng, trước kia người dân chỉ nghĩ họ sản xuất sản phẩm của riêng gia đình nên không chú ý nhiều đến cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm. Ngày nay, họ thấy rằng việc sản xuất gắn với du lịch thì cần quan tâm đến nhiều yếu tố môi trường, an toàn vệ sinh… nên có nhiều ý thức hơn. Đó là điều đáng mừng để giúp địa phương đẩy mạnh sản xuất kết hợp với khai thác du lịch.