Hà Nội giữ vững kỷ cương, vươn tầm khát vọng
Kỷ cương là yếu tố tiên quyết
Mùa Xuân đến mang theo những hy vọng, bồi đắp niềm tin, làm bừng lên khát vọng và ý chí vươn lên trong mỗi người dân Thủ đô, dù dấu vết của một năm nhiều khó khăn, thách thức vẫn lẩn khuất đâu đó trong tâm thức của mỗi người.
Vượt lên tất cả, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 với những giải pháp trúng và đúng, không để bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cân đối thu - chi ngân sách của TP vẫn được đảm bảo. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao; Đảm bảo nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19; Hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, cũng như an sinh xã hội. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân ước tăng khoảng 1,9 - 2,4%.
Kỷ cương là yếu tố tiên quyết làm nên những thành quả trong phòng, chống dịch của Hà Nội |
Nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được có thể nhận thấy, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của TP, yếu tố kỷ luật, kỷ cương chính là kim chỉ Nam của những quyết sách đúng đắn, bảo đảm cho Thủ đô vượt qua khó khăn bởi tác động của dịch bệnh và phát triển đột phá ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.
Trong chủ đề công tác năm 2021, Hà Nội xác định thành tố “kỷ cương” được đặt lên trước hết làm căn cứ để phát huy "trách nhiệm" và "hành động" hướng đến “sáng tạo” và "phát triển". TP xác định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.
Ngay từ khi chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được đưa ra, nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện. Phát triển chủ đề công tác năm của TP dựa trên nền tảng của địa phương, quận Long Biên đã xác định 2021 là “Năm dân vận khéo, trọng tâm công tác giải phóng mặt bằng”. Huyện Ba Vì đặt mục tiêu phấn đấu tăng cường hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới... Huyện Phú Xuyên kỳ vọng giải quyết sớm tình trạng đình trệ dự án khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam (giai đoạn I), triển khai giai đoạn II...
Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đã làm xoay chuyển nhiều mục tiêu, nhiệm vụ. Đối phó với dịch bệnh, Hà Nội xác định mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân. Đặc biệt, TP chú trọng chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với sự chủ động của các cấp chính quyền từ TP tới cơ sở. Các địa phương được yêu cầu chủ động trong mọi tình huống, phương án, kết hợp với huy động sức dân, tổ COVID-19 cộng đồng tham gia chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP đã yêu cầu các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải đảm đương thật tốt vai trò “tư lệnh”, quán xuyến toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, tất cả nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu từng nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Bí thư Quận, Huyện, Thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch trên địa bàn. Nơi nào, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu…
Để siết chặt kỷ cương và kịp thời chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, TP chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay.
Trong công tác đấu tranh và giữ vững thành quả phòng, chống dịch, yêu cầu tiên quyết được TP Hà Nội đưa ra là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bảo vệ bằng được thành quả công tác phòng, chống dịch vì an toàn và sức khỏe Nhân dân.
Để đảm bảo yêu cầu đó, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên họp định kỳ hằng tuần và đột xuất để lãnh đạo, chỉ đạo, cho ý kiến về chủ trương, biện pháp, giải pháp đối với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 47 thông báo kết luận, 3 chỉ thị, 7 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Cùng với đó, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù của TP để hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch. UBND TP ban hành 5 chỉ thị, 19 công điện và các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
TP đã tập trung thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát y tế diện rộng trên toàn địa bàn; Thực hiện tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho trên 94%, mũi 2 cho trên 83% người dân từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi; Tập trung đầu tư các khu thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, thành lập các khu cách ly tập trung; Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; Củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn; Lấy người dân làm “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, chủ thể phòng, chống dịch.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch COVID-19. Việc lãnh đạo TP đi kiểm tra tận nơi, xem xét các vấn đề cụ thể từng địa bàn đã tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị với tinh thần bao trùm “chống dịch như chống giặc”; Coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Đưa thành phố phát triển bứt phá sau đại dịch
Năm 2022, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; Tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, ngành trong hệ thống chính trị; Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên.
TP cũng quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, năm 2022 theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021 (không kể số thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế ngân sách Trung ương hưởng 100% thì tăng 8,5%). Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Để đảm bảo mục tiêu này, TP sẽ đề ra những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, tài sản công, các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi; Tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách...
Về đầu tư công, đối với kế hoạch năm 2021, Hà Nội xác định khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước; Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Đối với kế hoạch năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; Đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế...
Đặc biệt, năm 2022, TP sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục; Tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số. Trong đó lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ các di tích… Với yêu cầu Hà Nội phải trở thành một trong 3 trung tâm của Việt Nam về công nghiệp văn hóa, TP sẽ tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh, gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phầm mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. TP phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp từ 4-5% cho tăng trưởng.
TP cũng sẽ bắt tay vào công tác quy hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ - một trong ba trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Một năm mới với nhiều khó khăn, thách thức đang đến gần. Phát huy bản lĩnh, tinh thần chủ động, sáng tạo, toàn hệ thống chính trị TP không một phút ngơi nghỉ, bắt tay triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đã đề ra; Góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ và vươn cao khát vọng phát triển… Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo sẽ vẫn là kim chỉ Nam để TP Hà Nội phát triển trong bối cảnh mới.