Hà Nội – Nghệ An hợp tác quảng bá đặc sản, sản phẩm OCOP
Cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai địa phương
Từ ngày 27 đến 29/10, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) sẽ diễn ra chương trình “Liên kết, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch Hà Nội - Nghệ An 2023”. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá, hợp tác đầu tư giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An.
Chương trình “Liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch Hà Nội - Nghệ An 2023” được tổ tại tỉnh Nghệ An, nhằm quảng bá, giới thiệu về cơ hội hợp tác đầu tư, tiềm năng thế mạnh, hình ảnh, làng nghề, điểm đến du lịch, đặc sản, sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành liên quan.
Thông qua sự kiện sẽ giúp người tiêu dùng và du khách tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, kích cầu tiêu dùng nội địa góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, đây cũng là dịp hỗ trợ doanh nghiệp của hai địa phương trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ chiều ngày 27/10, chương trình sẽ diễn ra với nhiều sự kiện hết sức quan trọng, trong đó trọng tâm là Hội nghị Xúc tiến giữa TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An với sự tham gia của 200 đại biểu.
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận |
Thông qua Hội nghị sẽ giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An; Kết nối doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của hai địa phương; Những vấn đề doanh nghiệp quan tâm khi thực hiện dự án đầu tư tại hai địa phương; Xu hướng tuyển dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Cùng nằm trong chuỗi sự kiện này, vào tối 27/9 tại phố đi bộ thành phố Vinh sẽ diễn ra Lễ khai mạc chương trình “Liên kết, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch Hà Nội – Nghệ An 2023”.
Bên cạnh lễ khai mạc, trên tuyến phố đi bộ sẽ bố trí 50 đến 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, du lịch của thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Hàng hóa tại các gian hàng sẽ là những đặc sản, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, ẩm thực, ấn phẩm đầu tư, du lịch...
Để chương trình diễn ra thuận lợi, thành công, UBND tỉnh Nghệ An giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kịch bản, chủ trì chuẩn bị tốt các nội dung thực hiện, chịu trách nhiệm công tác hậu cần và điều kiện để tổ chức chương trình. Chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương trong tỉnh vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề... có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản tỉnh Nghệ An tham gia các gian hàng trưng bày.
Nỗ lực phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP
Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, sau 4 năm triển khai, đến nay chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh Nghệ An dồi dào về số lượng, nâng cao chất lượng, giá trị.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có 43 sản phẩm đạt 4 sao, 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận.
Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 4 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương trên địa bàn hết sức quan tâm. Thông qua 71 hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó 51 hội chợ, 17 cuộc kết nối cung cầu, 3 cuộc triển lãm, trưng bày triển khai sáng kiến.
Lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP |
Còn tại Hà Nội, theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội, lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; Có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
Để phát triển sản phẩm mới OCOP, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng); Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, các địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.