Hà Nội: Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán
Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán
Bài liên quan
Hà Nội: Giá rau quả, thực phẩm rục rịch tăng đón Tết Nguyên đán
Mỗi khi Tết đến Xuân về, nguồn cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa sẽ là áp lực với các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả của người dân trên địa bàn Thủ đô có thể tăng 10-15%, thịt lợn 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, gạo 5-7%... Trong khi đó, khả năng sản xuất của doanh nghiệp Thủ đô chỉ đáp ứng được 50-65% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng như đảm bảo ổn định cho các mặt hàng thiết yếu không biến động, ngay từ tháng 6/2018 Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Nhiều thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đã được đưa lên kệ các siêu thị. |
Hiện, 30/30 quận, huyện đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Cũng theo bà Lan, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết, ứớc tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018).
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng…
Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn, tập trung vào dịp cuối năm 2018 như: Tổ chức 10 phiên chợ Việt và trên 380 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành; tổ chức thành công Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2018... Điển hình, Sở Công thương đã tổ chức thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành thuộc thành phố Hà Nội, hình thành hệ thống điểm bán trái cây an toàn phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2019.
Đến nay, đã có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án được cấp biển nhận diện và xây dựng được 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát 70 điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành Giao thông vận tải, Công an thành phố thống nhất trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Hà Nội dự báo dồi dào. |
Ngoài ra, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, Hà Nội đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… qua đó các doanh nghiệp đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm…
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ lúc này các tiểu thương, người kinh doanh buôn bán các mặt hàng thực phẩm, rau quả tại Hà Nội cũng đã bắt đầu tính tới phương án chuẩn bị nguồn cung phục vụ người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, hiện các mặt hàng thực phẩm, trái cây trên thị trường Hà Nội cũng đã bắt đầu rục rịch tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết như thịt bò, thịt gà, thủy hải sản và các loại trái cây thắp hương như cam, táo, phật thủ, bưởi...
Ghi nhận của PV ở các chợ đầu mối tại Hà Nội như: Hà Đông, Mai Dịch, Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở..., giá các loại rau như bắp cải trắng cũng đã tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng so với những ngày trước đó lên mức 10.000 đồng/kg, giá súp lơ xanh cũng lên mức 40.000 đồng/kg, su hào cũng tăng lên 10.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg.
Mặc dù giá cả bắt đầu tăng nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn vui vẻ bởi họ cho rằng đó là xu thế, cứ đến hẹn lại lên. "Trước tôi mua một cân súp lơ xanh giá cũng chỉ 30-35 nghìn đồng, nhưng sau Tết Dương lịch thì đã tăng lên 40 nghìn đồng. Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết Âm lịch là giá các loại rau quả đều tăng vì nhu cầu của người tiêu dùng cũng tăng lên", chị N.T.H - một người dân phường Phúc La (Hà Đông) chia sẻ.
Một số mặt hàng thực phẩm rục rịch tăng giá dù chưa đến Tết Nguyên đán. |
Trong khi đó, theo một số tiểu thương, năm nay do thời tiết cũng không có nhiều đợt rét đậm rét hại như mọi năm nên dồi dào nguồn cung rau quả phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, và cũng vì thế giá các mặt hàng này cũng có thể sẽ chỉ tăng nhẹ chứ không tăng mạnh như mọi năm.
"Năm nay thời tiết thuận lợi, không rét đậm rét hại nên nhiều gia đình được mùa. Chúng tôi đã đi đặt hàng bà con từ tháng trước để đến gần Tết bắt đầu đi lấy hàng để bán. Nguồn cung rau quả năm nay có thể nói là dồi dào để phục vụ người dân", chị M.H.T - một tiểu thương tại Chợ Hà Đông chia sẻ.
Tương tự như mặt hàng rau, các loại trái cây cũng đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Theo ghi nhận của PV, cam sành tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội có giá khoảng 25.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2018.
Năm nay, giá bưởi Diễn cũng tăng mạnh, đặc biệt là loại bưởi "xịn''. Giá bưởi Diễn loại 1 tại vườn vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng/quả, loại 2 từ 40.000 - 50.000 đồng/quả, loại nhỏ xấu mã chỉ 15.000 - 35.000 đồng/quả. Trong khi đó, giá bán ngoài thị trường sẽ chênh lệch hơn 20.000 - 30.000 đồng/quả.
Theo chia sẻ của một số gia đình trồng bưởi Diễn tại Hà Nội được biết, giống bưởi Diễn bắt đầu cho thu hoạch từ khoảng tháng 11, 12 Âm lịch đúng vào dịp giá Tết Nguyên Đán, nên được nhiều người dân Hà Nội tìm đến đặt mua để sử dụng và làm quà biếu. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, nên hầu hết các vườn bưởi đều được mùa sai quả, mỗi gốc có thể đạt từ 60 - 70 quả.
"Nhiều thương lái và khách hàng đã đến tận vườn đặt mua bưởi phục vụ Tết. Năm nay, giá bưởi dao động ở mức 50.000 – 70.000 đồng/quả bán tại vườn. Đối với những loại quả được tuyển chọn sẽ có giá cao hơn, khoảng 80.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi quả", ông T.V.H - một người dân ở Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số loại trái cây cũng tăng giá ăn theo dịp Tết Nguyên đán như táo xanh to có giá 45.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với trước đây; xoài ngọt 50.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; vú sữa 55.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Không những trái cây, mà một số loại hoa cũng đã bắt đầu tăng, như: hoa cúc có giá 8.000 đồng/bông, hoa hồng 10.000 đồng/bông, tăng khoảng 1.000 đồng/bông so với tháng trước đó.
Đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, giá cũng bắt đầu nhích dần lên. Cụ thể, giá thịt ba chỉ ngon tăng lên mức 85.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng, có thể ở mức 100.000 đồng/kg; sườn ở mức 100.000 đồng/kg, dự báo cũng có thể lên mức 110.000 đồng/kg.
Tương tự, thịt bò thăn cũng đã ở mức 275.000 - 290.000 đồng/kg; giá gà lông cũng đã tăng ở mức 105.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi tháng trước chỉ ở mức 95.000-105.000 đồng/kg gà ngon. Các loại thủy hải sản đứng giá ở mức cao do thời tiết lạnh, việc đánh bắt, khai thác bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế thị trường, việc tăng giá thực phẩm dịp Tết Nguyên đán như đã thành thông lệ, không có gì là bất thường bởi nhu cầu tiêu dùng vào dịp này tăng cao. "Việc tăng giá là khó tránh khỏi nhưng tăng ở mức cho phép, không có chuyện thích tăng thế nào cũng được rồi loạn thị trường", vị này chia sẻ.