Hà Nội phấn đấu trở thành đối tác tin cậy, điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế
Công tác đối ngoại của Hà Nội có bước chuyển biến tích cực
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, nhìn lại lịch sử, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), công tác đối ngoại của thành phố Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực.
Từ chỗ phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển; Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Hà Nội đã mở rộng kết nghĩa với nhiều thủ đô, thành phố lớn của các nước trên thế giới nhằm chủ động tìm kiếm đối tác về đầu tư, thương mại, thúc đẩy hợp tác về lao động, xây dựng đô thị, giao lưu văn hóa, nghệ thuật.
Thông qua mở rộng quan hệ đối ngoại kinh tế của Thủ đô đã đạt được những tiến bộ: Nhiều năm xuất khẩu tăng trưởng liên tục, được nhiều tập đoàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới đã chọn đầu tư (kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1986-1996 tăng bình quân hơn 9%/năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội tăng từ 48 triệu USD vào năm 1989 lên 15 tỷ USD vào năm 1996).
Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia mà Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở Đại sứ quán của 58 quốc gia và văn phòng đại diện của hầu hết tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với những lợi thế riêng có này, công tác đối ngoại của Thủ đô đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị |
Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước; Là thành viên chính thức của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế lớn.
Đối ngoại kinh tế là trụ cột chính, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI, đồng thời, liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI trong 2 năm 2018-2019.
Trong 11 tháng của năm 2021, Hà Nội đã thu hút được khoảng 1,467 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dự kiến cả năm 2021, thành phố sẽ thu hút vốn FDI đạt 1,5-1,6 tỷ USD. Trước đó, trong các năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu về thu hút FDI với vốn đăng ký tương ứng 7,5 tỷ USD và 8,6 tỷ USD. Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thành phố đã đón gần 29 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,1 triệu lượt khách quốc tế.
Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân được triển khai phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác, thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu: Thành phố vì hòa bình.
Đẩy mạnh đối ngoại trên nhiều lĩnh vực
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, công tác đối ngoại địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững.
Thực tiễn cũng cho thấy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước.
Với nhận thức đó, trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại những nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội |
Trong đó, TP sẽ đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Đối ngoại Thủ đô được triển khai trên tất cả lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị, phát triển đô thị; Trên tất cả các kênhđối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền và đối ngoại Nhân dân.
Đặc biệt, đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ cấp TP mà các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô cùng tham gia xúc tiến, thúc đẩy hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế tùy thuộc nhu cầu, khả năng, năng lực, tiềm năng lợi thế của từng cơ quan, đơn vị.
TP cũng sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với các thủ đô của các nước, các thành phố, vùng địa phương của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trong đó, tập trung thúc đẩy quan hệ với các đối tác láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; Thủ đô và thành phố của các nước là đối tác chiến lược và bạn bè truyền thống của Việt Nam, các nước phát triển, các nước giàu tiềm năng khác trên nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau, hai bên cùng có lợi và mang tính thực chất; Ưu tiên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận, cam kết đã xác lập với các đối tác, song song với tìm kiếm và mở rộng các cơ hội hợp tác mới một cách phù hợp, có chọn lọc.
Bên cạnh đó, TP chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của Thủ đô; Đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững,coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống;
TP cũng sẽ phát huy đối ngoại văn hoá, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, góp phần thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia; Kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hiến của Thủ đô, từng bước tạo dựng bản sắc Hà Nội, biến đó trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô.
Trong quá trình đó, TP luôn mong muốn và sẽ tạo thuận lợi nhất để các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô trở thành đại sứ văn hóa tham gia giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Hà Nội đến với bạn bè khắp năm châu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Với phương châm xuyên suốt “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa để mở rộng, nâng cao và phát huy hiệu quả công tác đối ngoại, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.
Hà Nội mong muốn Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi hơn nữa để TP phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ bên ngoài thông qua công tác đối ngoại, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới.