Hà Nội: Rau xanh, thực phẩm dồi dào, giá cả giảm mạnh
Nguồn cung dồi dào, sức mua giảm
Những ngày gần đây, giá các mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh. Nguyên nhân là do thời điểm này, các vùng trồng rau xanh ở khu vực ngoại thành Hà Nội đều đang vào vụ thu hoạch rau hè nên sản lượng rau cung cấp ra thị trường khá lớn, ảnh hưởng đến giá thành của các mặt hàng này.
Khảo sát của phóng viên tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố sáng 12/5 cho thấy, so với cùng kỳ tháng trước, bí xanh hiện có giá 6.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; bầu có giá 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; mướp có giá 8.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg…
Các loại rau vụ xuân hè như rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay… giá không giảm sâu nhưng vẫn thấp so với trung bình năm trước, dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/mớ.
Hiện các vùng trồng rau, củ, quả ở khu vực ngoại thành Hà Nội đang vào mùa thu hoạch nên giá các mặt hàng này giảm mạnh |
Bà Vũ Thị Hạnh, tiểu thương bán các loại rau củ quả tại chợ Bún (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay, %vùng trồng rau tập trung ở các huyện ngoại thành và một số tỉnh như Hòa Bình, Nghệ An, Sơn La… bắt đầu vào mùa thu hoạch chính. Tuy thời tiết thuận lợi, năng suất cao nhưng sức mua của thị trường chậm nên giá các loại rau xanh giảm hơn so với thời điểm trước.
Ngoài ra, cũng theo bà Hạnh, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân không còn tâm lý mua tích trữ đồ ăn khi xảy ra dịch bệnh như trước nên không có tình trạng khan hàng, sốt giá. “Đặc biệt, người dân đi mua sắm tại chợ đều thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người bán nên những tiểu thương buôn bán tại chợ cũng thấy yên tâm hơn”, bà Hạnh chia sẻ.
Mặc dù không đối mặt với việc tiêu thụ khó khăn nhưng tại các vùng rau khu vực ngoại thành Hà Nội, giá các loại rau xanh đầu mùa hè cũng không được như mong muốn.
Ông Nguyễn Phi Hồng, chủ một cơ sở trồng rau xanh tại Chương Mỹ (Hà Nội) cho hay: "Mọi năm giá rau muống, đặc biệt là loại rau muống tiến vua - đặc sản của hợp tác xã đều được giá nhưng thời điểm này, giá rau muống có xu hướng giảm nhẹ, dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/mớ, nếu được giá 7.000 đồng/mớ thì nông dân sẽ phấn khởi, yên tâm sản xuất hơn. Ngoài ra, các loại rau có giá trị cao như măng tây cũng bị giảm giá mạnh, mức tiêu thụ cũng chậm nên ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập của người nông dân".
Hiện các loại rau xanh giảm giá mạnh, mức tiêu thụ cũng chậm nên ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập của người nông dân |
Cùng với các mặt hàng rau xanh, hiện giá cả các loại thực phẩm tươi sống được bán ở các chợ cũng giảm hơn so với tuần trước. Cụ thể, cua đồng ở các chợ dân sinh được bán với giá 150.000 – 160.000 đồng/kg; thịt lợn có giá 110.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại; thịt gà có giá 70.000 - 85.000 đồng/kg tùy loại; thịt bò có giá 250.000 đồng/kg...
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, giá lợn hơi cuối tuần tiếp tục giảm nhẹ tại nhiều địa phương với mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, bán ra với giá từ 67.000 - 72.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Do đó, giá thịt bán ra tại các chợ cũng được điều chỉnh giảm so với trước.
Chia sẻ về giá một số loại rau, củ, thực phẩm bị giảm mạnh, các tiểu thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua giảm. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tích trữ tiền bạc để đề phòng trường hợp giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều bếp ăn tập thể ngừng hoạt động.
Cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho Nhân dân
Thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Hiện nay, diện tích rau màu vụ xuân hè trên địa bàn thành phố đã trồng, sinh trưởng phát triển tốt.
Rau vụ xuân hè đang cho thu hoạch khoảng 3.000ha (khoảng 42% diện tích) và đang cho thu hoạch gối theo lứa, chủ yếu các loại: Cà chua, khoai tây, cải các loại, rau ăn lá ngắn ngày, bí xanh, mướp, ngô... Trung bình mỗi ngày, khoảng 200 - 250ha rau cho thu hoạch, cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 - 2.200 tấn rau xanh các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân Thủ đô.
Sở Công thương thành phố Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô |
"Đối với diện tích rau an toàn hơn 5.000ha, diện tích đến kỳ cho thu hoạch khoảng 2.000ha, cung ứng cho thị trường 450 tấn/ngày, trong đó 40 mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau hiện có, áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia cung cấp sản lượng rau khoảng 140 tấn/ngày, giá cả ổn định do có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh. Các loại rau, củ, quả giảm giá sâu chủ yếu là loại rau sản xuất mà không ký kết được với các kênh tiêu thụ ổn định", ông Phương cho biết thêm.
Như vậy, có thể thấy là hàng hoá, thực phẩm hiện rất đầy đủ, người mua hàng không còn tâm lý gom hàng và thành phố Hà Nội cam kết đảm bảo đủ nguồn cung về nhu yếu phẩm cho người dân phòng dịch.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Nhằm chủ động trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương thành phố Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết đảm bảo hàng hóa phục vụ Nhân dân Thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra.
Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý, giám sát việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn, tránh đầu cơ, thổi giá.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người dân cần bình tĩnh, yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, cũng như tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người.