Hà Nội: Tìm giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản
Năng lực chế biến và bảo quản nông sản chưa xứng với tiềm năng
Ngày 26/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản phẩm nông nghiệp được chế biến sâu với chủng loại phong phú, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thành phố còn có hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo giải pháp nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản của thành phố Hà Nội |
Chế biến nông, lâm, thủy sản đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh tập trung, kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Ngoài ra, thành phố đang duy trì hoạt động 113 kho lạnh có bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) chia sẻ: Lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này. Chưa kể, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô.
"Hiện công ty chúng tôi có trên hàng chục sản phẩm như giò, chả, xúc xích, dồi sụn… Còn nhớ những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng thực phẩm chế biến bán ra thị trường của công ty tăng 15-20%. Mặc dù ra đời đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp (năm 2020) nhưng nhờ nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà sản phẩm của công ty vẫn đạt doanh thu 5 tỉ đồng/năm", ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết thêm.
Hiện thành phố Hà Nội đang duy trì hoạt động 113 kho lạnh có bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản |
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ngành chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố đa số là cơ sở vừa và nhỏ, chưa xứng với tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của Thủ đô. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Do đó, trong thời gian tới, cần quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; Nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến, đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho chế biến nông sản.
Tăng cường liên kết để phát triển
Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Để đạt được mục tiêu thành phố Hà Nội đề ra về bảo quản, chế biến nông sản, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; Nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để ngành chế biến nông sản Thủ đô phát triển như định hướng đề ra.
Thành phố Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản |
Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư cho chế biến, phát triển con giống… ngành nông nghiệp Hà Nội cần củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp; Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn… Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện rà soát, quy hoạch cơ sở, vùng giết mổ, chế biến sản phẩm nông sản của thành phố kết nối với vùng nguyên liệu tập trung được quy hoạch và hạ tầng thương mại của thành phố.
Cùng với đó, ngành sẽ đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ sở chế biến (quản lý, truy xuất nguồn gốc, thương mại).
Mặt khác, ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm nông sản chế biến; Hỗ trợ các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu...