Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, giúp người lao động có việc làm
Mỗi ngày tiếp nhận, xử lý gần 3.000 hồ sơ giải quyết việc làm
Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động. Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (79.700 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (75.800 doanh nghiệp). Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến nay, cả nước có 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, với số lao động tạm ngừng việc lên tới gần 4 triệu người. Các ngành, nghề, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch, vận tải...
Số lao động bị ảnh hưởng về việc làm gia tăng, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị tăng, hiện nay là hơn 4%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Mỗi ngày Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận và xử lý gần 3.000 hồ sơ liên quan đến giải quyết việc làm (Ảnh tư liệu) |
Riêng tại Hà Nội, theo thông tin từ Liên đoàn Lao động thành phố, đến nay do tác động nặng nề của dịch Covid-19, đã có 233 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng hàng nghìn người thiếu và mất việc làm. Trong đó, riêng trong Khu công nhiệp & chế xuất Hà Nội, Công ty TNHH CANON Việt Nam có 19.316 CNLĐ thiếu việc làm, Công ty TNHH Nippo Mechatronics (Việt Nam) có 400 công nhân, lao động thiếu việc làm, được hưởng 75% lương do dịch bệnh; chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phụ trợ từ các Công ty Canon, Denso, Honda bị đứt gãy.
Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận và xử lý gần 3.000 hồ sơ liên quan đến giải quyết việc làm cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Đồng bộ từ sàn trung tâm đến các điểm giao dịch việc làm vệ tinh
Dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 nhưng với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp người lao động kết nối với doanh nghiệp tìm việc làm, giải quyết các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội không bị gián đoạn. Nổi bật là, tính đến nay toàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 90.000 người, đạt 61,2% kế hoạch cả năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.
Theo đề án, giai đoạn 2021-2025, các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố được tổ chức hằng ngày, đồng bộ từ sàn trung tâm đến các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Bình quân hằng năm, tổ chức 240 phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng ngày, 12 phiên giao dịch việc làm đặc thù (gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên dành cho lao động khuyết tật, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc), 10 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã.
Hà Nội nỗ lực tìm giải pháp khôi phục thị trường việc làm (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, thành phố sẽ hiện đại hóa hoạt động giao dịch việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm; Phấn đấu tỷ lệ giao dịch, phỏng vấn trực tuyến tại các phiên giao dịch việc làm đạt 30-35%; Xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp với điều kiện của thị trường lao động thành phố.
Hà Nội dự báo và đưa ra kết quả về cung lao động đến năm 2025 theo trình độ chuyên môn, lĩnh vực đào tạo, khu vực thành thị, nông thôn; Về cầu lao động đến năm 2025 theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngành cấp 1, nghề cấp 2...
Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025, triển khai thực hiện hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động; giải quyết việc làm hằng năm tăng 3-5% so với chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố.
Giai đoạn sau năm 2025, thành phố phấn đấu tăng dần tỷ lệ giao dịch, phỏng vấn trực tuyến tại các phiên giao dịch việc làm, đạt từ 50% trở lên. Từ năm 2026, công tác giải quyết việc làm hằng năm tăng 5-8%/năm so với chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố.