Hà Nội xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất
Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến đời sống, lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho các đơn vị chuyên môn, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất.
Theo đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của Hà Nội.
Đơn cử, tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ (rau, hoa, cây ăn quả...) như: Tưới tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân chọn tạo được giống năng suất, chất lượng cao, ngày càng được nhân rộng, phát triển.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ, củ, quả... trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm... đang dần phổ biến.
Nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu |
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.
Ngoài ra, hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Hiện, sản phẩm rau của hợp tác xã cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị, 15 cửa hàng tiện ích theo hợp đồng liên kết với giá bán ổn định.
Cùng chung tay với các ngành chức năng, địa phương trong việc chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức đối với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại nhiều địa phương, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang phương thức nhóm hộ, hợp tác xã, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường. Các mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết "4 nhà", từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường.
Cùng với đó, Hà Nội cũng phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; Các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; Góp phần xây dựng Nông thôn mới theo quy hoạch.
Hà Nội hiện đang ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu |
Để ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ, giải pháp thành phố xác định là tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới. Cụ thể, thành phố phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hà Nội cũng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP; Nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%.
Đặc biệt, Hà Nội đang chú trọng đưa sản xuất chăn nuôi, thủy sản tập trung ra khỏi khu dân cư; Phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; Hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nâng cao năng lực dự báo thị trường; Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Như vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định vẫn là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô trong tương lai trước những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu.