Điểm tựa của bà con nông dân trong mùa dịch Covid-19
Hoạt động không vì lợi nhuận
Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, đánh dấu bước phát triển mới đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam cũng như hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.
Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho biết: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã được xem là điểm tựa của bà con hợp tác xã trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh tư liệu) |
Quỹ hợp tác xã có chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ cũng thực hiện huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định. Đồng thời cho vay cho khách hàng, thực hiện các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư. Đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ theo quy định của pháp luật; Ủy thác, nhận ủy thác theo quy định và pháp luật có liên quan.
Nói về những điểm nổi bật của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Ông Phạm Công Bằng cho hay: Điểm mới nổi bật thứ nhất là theo cơ chế cũ, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã chỉ cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chỉ cho vay đầu tư hình thành nên tài sản cố định, trong khi nhu cầu vay vốn của những thành viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp đối với các hợp tác xã nông nghiệp rất phổ biến và hết sức cấp bách, nhưng Quỹ cũng không được cho vay. Như vậy cơ chế cũ nó bó hẹp cả về cả phạm vi đối tượng và phương thức cho vay.
Những hạn chế đó bây giờ đã được khắc phục trong quy định của Nghị định 45 của Chính phủ, theo đó ngoài hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã được cho vay đến thành viên của hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác và được cho vay cả ngắn trung và dài hạn cho tất cả đối tượng vay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Đấy là một điểm mới tháo gỡ rất lớn vướng mắc về đối tượng, phương thức, loại hình cho vay của Quỹ hợp tác xã.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn |
Điểm mới nổi bật thứ hai của Nghị định 45 là cơ chế hoạt động của Quỹ hợp tác xã trước đây không được huy động vốn ngoài thị trường, thì theo quy định của Nghị định 45, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã được mở rộng hơn các hình thức huy động, đặc biệt là được phép huy động nguồn lực từ thị trường, nhận tiền gửi của các Quỹ địa phương, các nguồn huy động hợp pháp khác để bổ xung nguồn vốn hoạt động cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tập trung hỗ trợ bà con hợp tác xã vượt qua khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động nặng nề hơn với các hợp tác xã, tổ hợp tác bởi đây là nơi nguồn lực yếu, dễ bị tổn thương, khả năng chống chịu kém.
Trước tình trạng đó, Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam tạo mọi điều kiện cho các hợp tác xã vượt qua thời kì khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam đã tiến hành rà soát tất cả các hợp tác xã đang có dư nợ tại quỹ, rà soát phân loại đánh giá và báo cáo Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã phát huy tác dụng rất tốt đối với các hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi đại dịch (Ảnh tư liệu) |
Trên cơ sở đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã gửi công văn đên tất cả các hợp tác xã còn dư nợ tại quỹ đề nghị báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện các dự án đang vay vốn của Quỹ và khả năng trả nợ, đề xuất cơ cấu lại nợ nếu thấy cần thiết.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho biết: “Chúng tôi đã nhận được 40 đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của 40 hợp tác xã với nhu cầu chủ yếu là xin giãn nợ tức là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và chưa có HTX nào có đề nghị về việc xóa nợ hoặc khoanh nợ. Trên cơ sở báo cáo của các hợp tác xã đang vay vốn Quỹ, chúng tôi đã tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ các hợp tác xã đang vay vốn quỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể, quỹ đã cơ cấu lại nợ cho 38 hợp tác xã với số tiền nợ cơ cấu là 31 tỷ đồng của đợt 1 năm 2020. Đến đợt dịch thứ 2 năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thường trực liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ tiếp tục rà soát và nhận được những đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của những hợp tác xã tiếp tục bị khó khăn bởi đại dịch Covid-19 lần thứ 2, chúng tôi đã tiếp tục cơ cấu lại nợ cho 7 hợp tác xã với số tiền là 25 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cũng đẩy mạnh công tác cho vay mới rất nhiều dự án để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nguồn lực đầu tư đổi mới hoạt động, đổi mới sản phẩm, tăng cường liên kết, thích nghi với giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế".
Có thể thấy rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, công tác hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đã rất kịp thời, đúng đối tượng, đã phát huy tác dụng rất tốt đối với các hợp tác xã bị ảnh hưởng đại dịch, qua đó giúp các hợp tác xã đã tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển.