Hai Bộ trưởng trao đổi vì sao không huy động điện tái tạo mà nhập khẩu điện
Nghịch lý điện thiếu và điện thừa! |
Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng nhiều nội dung quan trọng khác, ngày 25/5, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đã nêu vấn đề về việc đàm phán giá mua điện của nhiều dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp vẫn tắc, gây lãng phí lớn.
“Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng song giờ không thể đấu nối, phát điện trong khi kinh tế thiếu điện, phải tăng mua của Lào, Trung Quốc”, bà Yên nói.
Cùng băn khoăn, ông Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, người dân bức xúc việc vì sao phải nhập khẩu điện trong khi 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất 4.600MW vẫn đang đàm phán giá, chưa thể phát điện lên lưới.
"Thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục để hòa lưới 4.600 MW mà phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?", ông Minh đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Việt Nam là cường quốc điện gió mặt trời nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
“Vì vướng mắc nên rất nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không được đấu lưới. Chúng ta có cơ hội, thừa điện tái tạo nhưng lại có những doanh nghiệp đóng cửa, không hòa mạng lưới được, ai chịu trách nhiệm. Cùng với đó, thông tin chúng ta xác định phải nhập khẩu điện lâu dài từ Trung Quốc, Lào. Tôi thử hỏi ai trong chúng ta có buồn không, tại sao vậy?”, đại biểu Vân nêu vấn đề.
Chia sẻ về vấn đề lãng phí nguồn năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương về vướng mắc huy động nguồn điện này.
Theo ông, nếu vướng về giá, hai Bộ sẽ cùng xây dựng, điều chỉnh cơ chế, đảm bảo giải tỏa vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư và vay từ ngân hàng.
Theo ông Phớc, qua trao đổi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói vướng ở đây là về công suất, tức hiện nay đã đủ tải. “Nếu chúng ta đủ tải rồi tại sao còn cho làm và nếu đã làm rồi, sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Ông Phớc cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời là do đã ký hiệp định với nước ngoài nên không thể đàm phán cắt được. "Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và giải quyết thế nào", ông Phớc cho hay.