Hải Phòng: Tăng cường bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán
Các mặt hàng thiết yếu đã được các siêu thị nhập kho, đáp ứng thoải cho nhu cầu thị trường - Ảnh Hoàng Phong |
Theo đánh giá của ngành Công thương Hải Phòng, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo sẽ không biến động lớn.
Căn cứ vào nhu cầu của người dân thành phố, các doanh nghiệp đã xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đối với 9 nhóm hàng bình ổn; Lượng hàng tăng từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua việc đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Theo Sở Công thương Hải Phòng, với hệ thống mạng lưới phân phối kết hợp giữa truyền thống và hiện đại gồm 156 chợ, 25 siêu thị, 11 trung tâm thương mại, 107 cửa hàng Vinmart+ và hàng nghìn cửa hàng bách hóa sẽ đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố.
Để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Sở Công thương Hải Phòng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thống kê Hải Phòng rà soát lại nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất.
Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguồn hàng ổn định và có khả năng tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối của chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, tổ chức cung ứng lượng xăng dầu phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Hàng hoá phục vụ Tết đã chất đấy các kệ hàng tại siêu thị Bic Hải Phòng - Ảnh Hoàng Phong |
Đến hết năm 2020, 100% quận, huyện xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng hóa trên địa bàn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngành Công thương Hải Phòng cũng đã kết nối với trên 10 tỉnh, thành phố về tình hình cung cầu, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương về việc thông tin, cung cầu các mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, thời gian hoạt động của hệ thống phân phối trong dịp Tết như sau: Đối với hệ thống chợ, chợ hoạt động liên tục, không có ngày nghỉ; Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại: Siêu thị Aeonmall hoạt động đến 19 giờ ngày 30 Tết, mở cửa lại vào 11 giờ sáng mùng 1 Tết; Siêu thị MM Mega Martket hoạt động đến 12 giờ ngày 30 Tết, mở cửa lại vào 7 giờ sáng ngày mùng 3 Tết; Siêu thị Big C hoạt động đến 14 giờ ngày 30 Tết, mở cửa trở lại vào 8 giờ ngày mùng 2 Tết; Siêu thị Coopmart hoạt động đến 12 giờ ngày 30 Tết, mở cửa trở lại vào 8 giờ sáng ngày 4 Tết; Siêu thị Lan chi hoạt động đến 12 giờ ngày 30 Tết, mở cửa trở lại vào ngày mùng 5 Tết.
Bên cạnh đó,.ngành Công thương thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp sản phẩm thịt lợn và hệ thống các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chủ động đánh giá tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn; Xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa, đảm bảo cung ứng hàng hoá có nguồn gốc hợp pháp rõ ràng với chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện báo cáo định kỳ tình hình cung cầu đối với mặt hàng này.
Cùng với đó, ngành phối hợp cùng Cục quản lý thị trường Hải Phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu; Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại nguồn cung mặt hàng thịt lợn trên địa bàn thành phố từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh các mặt hàng thịt lợn có nguồn hàng ổn định.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tính đến ngày 17/01/2021 đã có 2 chi nhánh Ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam chi nhánh Nam Hải Phòng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với hạn mức tín dụng 500 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Hải Phòng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với hạn mức tín dụng 250 tỷ đồng.