Hàng hóa, thực phẩm được bán nhiều tại chợ và siêu thị, giá ổn định
Đẩy mạnh kênh bán hàng online
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận được thông tin này, nhiều người dân lại hoang mang, lo lắng và đổ xô tới các siêu thị để mua hàng hóa, thực phẩm thiết yếu. Điều này đã tạo lên tình trạng khan hàng “ảo” và nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người.
Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý của người dân, phóng viên báo Tuổi trẻ đã có cuộc khảo sát tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đó, các mặt hàng thiêt yếu như rau xanh, thực phẩm... được bày bán nhiều tại các chợ dân sinh. Tại các siêu thị, các mặt hàng rau xanh, củ quả, gạo... được nhân viên bổ sung thường xuyên. Duy chỉ có mặt hàng thực phẩm tươi sống được bán hết trong ngày nên người dân không nên mua nhiều về tích trữ.
Các loại rau, củ, thực phẩm được bán nhiều tại các chợ truyền thống |
Cụ thể, tại chợ Bún (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội), các mặt hàng thực phẩm tại chợ khá đa dạng, giá cả ổn định như ngày thường. Đơn cử, thịt lợn có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg tùy loại; Thịt gà có giá 75.000-110.000 đồng/kg tùy loại; Thịt bò có giá 250.000-280.000 đồng/kg tùy loại; Cá có giá từ 65.000-85.000 đồng/kg tùy loại...
Riêng đối với các mặt hàng rau, củ, quả... được bán rất nhiều tại chợ. Các tiểu thương cũng cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung phục vụ người dân và không tăng giá trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện tại, các loại rau xanh đang được bán nhiều tại chợ gồm: Rau muống, rau mùng tơi, rau đay, bắp cải, bí xanh, cà rốt, các loại cải... giá bán trung bình từ 4.000 - 6.000 đồng/ mớ tùy loại.
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương buôn bán tại chợ Bún cho biết: Mấy hôm nay sức mua tại chợ có tăng hơn mọi hôm nhưng không có tình trạng khan hàng và tăng giá. Nhiều người dân đến chợ đều quan tâm đến vấn đề không đủ rau củ, thực phẩm trong mùa dịch nhưng sau khi được các tiểu thương ở chợ giải thích thì hầu như không có ai mua nhiều thực phẩm về tích trữ.
Chị Vân cũng cho biết thêm: “Nhiều người dân vì lo sợ không dám ra khỏi nhà nên đã để lại số điện thoại nhờ tôi đem rau, củ đến tận nhà hàng ngày, thậm chí có nhiều người còn nhờ mua hộ cả dãy phố luôn. Tôi thấy hình thức này khá hợp lý, mặc dù tôi mất thêm thời gian để đi giao hàng nhưng có thể hạn chế việc người dân tụ tập đông ở chợ để mua hàng, nhờ đó hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.
Hiện nay, để phục vụ nhu cầu của người dân trong việc mua bán thực phẩm, hàng hóa được thuận tiện, người dân tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lập lên những trang Facebook để người dân có nhu cầu mua bán hàng hóa, thực phẩm hàng ngày. Các mặt hàng bán trên chợ online đều rất phong phú, đa dạng từ thực phẩm sống, thực phẩm đã chế biến sẵn đến các loại hoa quả, rau củ với giá cả phải chăng.
Người dân muốn mua hàng chỉ cần vài bước thao tác đơn giản là có thể nhận hàng và thanh toán tại nhà. Đây được xem là phương án “đi chợ” thông minh trong mùa dịch.
Các siêu thị uôn đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân |
Chị Giáp Thị Hường, chủ một gian hàng buôn bán thực phẩm, rau củ, hoa quả trên “Chợ Online Đông Dư” ở xã Đông Dư, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Khi mới thành lập chợ online, tôi tham gia buôn bán chỉ vì muốn giúp bố mẹ ở quê tiêu thụ những loại nông sản do nhà trồng ra nhưng không sử dụng hết.
Sau một thời gian kinh doanh buôn bán trên chợ online, tôi nhận thấy nhu cầu của người dân rất lớn về thực phẩm, hoa quả nên tôi đã nhờ bố mẹ ở quê “tăng gia sản xuất” để cung cấp hàng cho tôi bán. Trong mùa dịch, việc bán hàng online trở thành xu hướng tất yếu, không những tiện cho cả người mua – người bán mà còn góp phần vào công tác phòng chống dịch”.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhân dân
Trước những lo lắng của người tiêu dùng Thủ đô về việc cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành Công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn. Với Hà Nội, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Đối với các doanh nghiệp, do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử. Nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định, nên sản lượng và giá cả không bị biến động.
Người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết |
Đến thời điểm này, dịch bệnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa vẫn rất thuận lợi. Hiện một số tỉnh, thành phố cung cấp ổn định lượng hàng hóa, thực phẩm cho Hà Nội gồm có: Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hết công suất, mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%; lưu thông hàng hóa vẫn thuận lợi.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất, lưu tại kho của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp tại Hà Nội. Từng điểm bán hàng cũng đang thực hiện trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân… Các doanh nghiệp khẳng định sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống.
Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để bảo đảm nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm số lượng dự trữ tăng 3 lần, thì Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào thành phố, cũng như tăng giờ bán. Thành phố cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.
Như vậy, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc cần làm lúc này là người dân nên thực hiên nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hạn chế ra ngoài, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình... Và một điều quan trọng nữa là ý thức của mỗi người dân sẽ quyết định thời gian và thành quả chống dịch Covid-19.