Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khởi công trong năm 2023
Cụ thể, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300ha, tổng mức đầu tư dự án 85.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương và địa phương là 41.860 tỷ đồng.
Đồ họa dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội |
Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dài 76km, tổng vốn hơn 75.000 tỷ đồng, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Bên cạnh đó là hàng loạt cao tốc như: Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5km, đầu tư với quy mô đường cao tốc, đạt vận tốc thiết kế 80km/ giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m, giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, tổng mức đầu tư dự kiến gần 2.113 tỷ đồng, thực hiện dự án đến năm 2025.
Giai đoạn phân kỳ, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe cơ giới (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn dài 60,18km, gồm 2 đoạn, đoạn tuyến từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43km, đoạn kết nối từ tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17,18km. Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m, giai đoạn phân kỳ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17m.
Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng hơn 10.471 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Ảnh bgls.vn) |
Tuyến đường bộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nâng cấp lên cao tốc dài 51,5km, với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024. Về quy mô, tuyến giữ nguyên theo đường hiện trạng, chỉ thảm bê tông tăng cường bê tông nhựa trên mặt đường cũ; Đầu tư mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp hiện có và bổ sung mới các đoạn dừng xe khẩn cấp, hoàn thiện hệ thống biển báo, sơn phân làn đường.
Dự án nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến trục dọc phía tây của khu vực, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường bộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nâng cấp lên cao tốc dài 51,5km, với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024 (Ảnh minh họa) |
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43km, được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/giờ, tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện công trình từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Dự án Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài 60,1km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, phân kỳ đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Dự án được thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư hơn 8.365 tỷ đồng, dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021 - 2025.
Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 66km, đầu tư theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn Nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động). Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Nút giao cao tốc Dầu Giây sẽ kết nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai (Ảnh Phước Tuấn) |
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giảm ùn tắc cho QL20, góp phần tạo đột phá về kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Cao tốc dài gần 74km, được đầu tư với quy mô giai đoạn hoan chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ 100km/giờ. Giai đoạn phân kỳ giai đoạn 1 được đầu tư với bề rộng nền đường 17m, tốc độ khai thác 80km/giờ.
Tại các vị trí nút giao liên thông thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. Điểm dừng xe khẩn cấp được bố trí khoảng 4 - 5km/vị trí trên cùng chiều xe chạy. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 7.761 tỷ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1).
Sơ đồ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự kiến dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu hoàn thành năm 2026 để khai thác đồng bộ với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 - 6 làn xe ô tô cao tốc theo từng đoạn tuyến. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
Sơ đồ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2km, tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La đang tích cực thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tạo động lực phát triển kinh tế các tỉnh Tây Bắc nói chung (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu qua tỉnh Hòa Bình được đầu tư với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng, dài 34km. Giai đoạn 1, dự án được thiết kế, xây dựng tuyến đường với bình đồ, trắc dọc và các yếu tố hình học đảm bảo theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, bề rộng nền đường 12m, quy mô 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.
Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu qua tỉnh Sơn La dài 31,6km, với quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới trên toàn tuyến, tốc độ thiết kế 80km/giờ, bề rộng nền đường 22m. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 12m, tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.790 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 1.990 tỷ đồng.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài hơn 121,06km (Ảnh minh họa) |
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được UBND tỉnh Cao Bằng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, dài hơn 121,06km. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,55km với mặt cắt ngang 17m, đáp ứng nhu cầu giao thông giai đoạn 2025 - 2030; Giai đoạn 2 hoàn thiện đầu tư tiếp gần 28km còn lại, với quy mô bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 22.691 tỷ đồng.