Hàng loạt hào kĩ thuật mất nắp trên đường Nguyễn Xiển: "Hố tử thần" rình rập
Báo Tuổi trẻ thủ đô số 1391, ra ngày 18/7 nêu ý kiến từ bạn đọc phản ánh về tình trạng xuống cấp, họp chợ tràn lan dọc đường Nguyễn Xiển thuộc địa phận các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì… Đặc biệt là tình trạng mất nắp các ga hào kĩ thuật đã nhiều năm nhưng chỉ được cảnh báo sơ sài gây nguy hiểm cho người dân. Đến nay, sau gần 1 tháng nhưng tình trạng trên vẫn còn tồn tại và ngày càng trở nên nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Dân lo ngay ngáy
Gần 1 tháng sau khi báo Tuổi trẻ thủ đô phản ánh, trở lại đường Nguyễn Xiển, tình trạng xuống cấp của vỉa hè, ga hào vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Ngồi trước cửa hàng bán dừa xiêm Bến Tre số 264A Nguyễn Xiển, anh Tú, chủ cửa hàng than thở: “Khoảng hơn 2 tháng nay, nắp cống ngay trước cửa hàng tôi bỗng dưng hỏng nắp, vài ngày sau có người đến đóng cọc, căng dây nhưng các thanh nắp cống thì vẫn chưa được lắp lại, xếp chồng lên nhau ngay cạnh hố. Từ ngày cửa hàng bị “che chắn” bởi cái hố hỏng và đám dây dựa chỉ cách cửa hơn 1 mét, khách ghé mua hàng cũng ít hơn, chúng tôi đành phải mang dừa ra bày ngoài vỉa hè sát đường cho tiện bán và tiện cho khách mua”.
Cách đó không xa, ngay trước cửa số 270 Nguyễn Xiển cũng có hố ga hào bị mất nắp. Nằm giữa “khu vực nguy hiểm”, anh Khoa, số nhà 268 Nguyễn Xiển lo lắng: “Chúng tôi bận buôn bán, chẳng thế quản được các cháu nhỏ trong khi tình trạng các hào mất nắp ở khu vực này khá nhiều, thậm chí nhiều chỗ khá dày. Dù đã dặn dò các con rồi nhưng cũng không hết lo”.
Dọc đường phía đối diện, trên khu vực thuộc phường Hạ Đình, nhiều ga hào cũng chịu chung số phận, “hẩm hiu” nằm chờ các cơ quan chức năng tu sửa. Nhiều ga hào kĩ thuật đã gần như mất toàn bộ phần nắp để lại khoảng trống là hố sâu hơn 1 mét, miệng rộng khoảng 2 mét, nước và các rác thải dồn xuống lòng hào biến chúng trở thành những hố rác ngay trước cửa nhà dân. Đáng lo ngại hơn, tại nhiều hố, những chiếc cọc và dây cảnh báo quây quanh hào bị những người dân bán rong trên khu vực này tháo dỡ để sử dụng hoặc bị bung đứt biến những chiếc hào này thành bẫy tử thần rình rập người tham gia giao thông. Những cơn mưa to tháng bảy cùng tình trạng ngập sâu trên khu vực này đang khiến người dân nơi đây và những người tham gia giao thông qua khu vực này thấp thỏm lo lắng.
Cơ quan chức năng “đùn đẩy” nhau
Theo tìm hiểu của PV báo Tuổi trẻ thủ đô, số hào kĩ thuật mất nắp nằm rải rác trên địa bàn nhiều phường quận, trong đó một số lượng không nhỏ tập trung hai bên vỉa hè thuộc khu vực quản lí của phường Đại Kim. Đại diện UBND phường Đại Kim cho hay, tuyến đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yên thuộc dự án đường Vành đai 3 (do Ban quản lí dự án Thăng Long làm chủ đầu tư). Các hố ga hào không có nắp tại tuyến đường này hiện chưa được Ban quản lí dự án Thăng Long bàn giao cho các đơn vị chuyên ngành quản lí.
Nhiều hố ga mất nắp nằm ngay trước cửa nhà dân
Trao đổi với PV, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Quản lí dự án 3, Ban Quản lí dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Dự án đường Vành đai 3 được giao cho nhà thầu là Tổng công ty Liên doanh 18 thực hiện, đã hoàn thiện hết từ năm 2010. Toàn bộ vỉa hè, mặt đường, thoát nước của tuyến đường đã được BQL dự án Thăng Long bàn giao toàn bộ cho thành phố Hà Nội, chỉ duy nhất hào kĩ thuật chưa bàn giao. Nguyên nhân sâu xa là do khi mới hoàn thành, nhà thầu chưa kịp bàn giao thì xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải tràn lan gần như dọc toàn bộ tuyến đường. Các xe vận chuyển phế thải đi lên vỉa hè để đổ phế thải lên khu đất trống vốn là cánh đồng ven đường gây nên tình trạng hư hỏng vỉa hè và hỏng các nắp kĩ thuật do toàn bộ phần ga hào này không phải ga chịu lực. Nhà thầu đã cho người canh cấm đổ trộm, từng hốt rất nhiều đất đi, và thậm chí công nhân nhà thầu khi ra canh còn bị đầu gấu gây cản trở.
Từ phía Ban Quản lí dự án Thăng Long cũng đã làm rất nhiều văn bản gửi thành phố, công an, UBND các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì và làm việc với công an môi trường nhưng “văn bản gửi đi cũng như không”.
Theo ông Sơn, đây không phải trách nhiệm của nhà thầu, do công trình đã được nghiệm thu. Tuy vậy, BQL Thăng Long vẫn có văn bản gửi nhà thầu đề nghị sửa chữa nhưng phía nhà thầu hầu như không có văn bản phản hồi. Sau nhiều năm, gần đây, trong văn bản gửi nhà thầu, BQL dự án Thăng Long đã đề nghị sẽ lấy tiền bảo hành ra để sửa chữa chứ không đợi nhà thầu nữa. Hiện Ban Quản lí dự án Thăng Long đang kiểm đếm và trong tháng 8/2014 sẽ tiến hành lắp lại các lớp ga hoàn thiện.
Cũng theo ông Sơn, các hố ga mất nắp trên tuyến đường không chỉ có các ga hào kĩ thuật của BQL dự án Thăng Long mà còn có hố ga của nước sạch, điện lực, thông tin… cũng bị sập. Tuy chưa được bàn giao và không có sự xin phép nhưng các đơn vị này đôi khi vẫn “chui” vào hào kĩ thuật của BQL dự án để “đi”, thậm chí cậy nắp để “đi”, sau đó đậy lại không đẹp đẽ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ga hào dễ bị trộm đập nắp lấy sắt bán.
Tú Linh