Hiểm họa khôn lường từ những chiếc “gông sắt” chống đỡ cây xanh
Đường Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ ngã ba cầu Chui huyện Gia Lâm đến đường vành đai 3 ngã tư quốc lộ 1B (Hà Nội - Lạng Sơn). Đây là tuyến đường lớn, tập trung đông dân cư cũng như các công trình dân sinh. Vì vậy, một hàng cây xanh kéo dài theo dọc tuyến đường đã được UBND quận Long Biên đầu tư trồng mới.
Hàng cây kéo dài trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên |
Ngay khi được đưa vào trồng, những cây xanh nhanh chóng được chống đỡ bằng các cột sắt cao khoảng 2m. Các cột sắt này có tác dụng giúp cây phát triển theo chiều thẳng đứng, tránh gãy đổ khi gặp thời tiết xấu. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất mà các cơ quan chức năng có thể thực hiện để đảm bảo sự an toàn cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại đường Nguyễn Văn Linh, hầu hết các cây xanh trên tuyến đường này, sau một thời gian, phần thân cây phát triển và phình to nhưng vòng đai sắt vẫn không được tháo ra hoặc nới lỏng, khiến thân cây bị bóp chặt, vòng đai cứa sâu vào thân tạo thành những vết hằn lớn. Sự thiếu quan tâm trong việc chăm sóc khiến việc “đeo gông” cho cây xanh tưởng chừng như đúng đắn lại vô tình trở thành những mối hiểm họa khôn lường.
Những chiếc “gông” siết chặt lấy thân cây |
Hiện nay, việc đóng đinh và “đeo gông” cho cây nếu không được thực hiện đúng cách sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển của cây, khiến cây bị chết, gây lãng phí cho ngân sách, thậm chí là đổ, ngã bất cứ lúc nào, đặc biệt khi đến mùa mưa bão.
Theo khuyến cáo của các kỹ sư lâm nghiệp, việc trồng và chăm sóc cây xanh, đặc biệt là cây xanh đô thị cần phải có kế hoạch cụ thể. Phố nào trồng cây gì, chăm sóc ra làm sao và phải áp dụng quy trình chặt chẽ.