Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng Nông thôn mới
Từng bước nâng cao đời sống Nhân dân
Huyện Gia Lâm (Hà Nội) được biết đến là một trong những huyện thành công với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhiều vùng trước đây trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn quả, rau, hoa… cho giá trị kinh tế cao với thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết: Nhằm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Gia Lâm đã quan tâm tới công tác quy hoạch vùng trồng lúa, cây ăn quả, rau... đồng thời đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp, cải tạo 9 tuyến kênh mương cấp III dài 29,7km với tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng.
Vì vậy, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị ngành trồng trọt của Gia Lâm đạt hơn 479 tỷ đồng. Toàn huyện đã hình thành 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 mô hình trồng trọt gồm: Rau thủy canh, trồng cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, hoa lan… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có những mô hình trồng cây ăn quả ở xã Kiêu Kỵ và Lệ Chi cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha…
Huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao (Ảnh tư liệu) |
Tại xã Đa Tốn, trước khi chưa chuyển đổi, xã có 449ha đất nông nghiệp, mỗi héc ta đất trồng lúa chỉ thu được 70 triệu đồng/năm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong nhiều năm qua, hợp tác xã đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương vận động xã viên chuyển đổi, cho thuê đất canh tác, chuyển từ trồng lúa thu nhập thấp sang trồng cây ăn quả gồm bưởi, cam Canh, cam Vinh, ổi bốn mùa…
Do một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã nằm trong quy hoạch thực hiện các dự án đô thị nên hiện nay đất canh tác chỉ còn 231ha, trong đó 191ha trồng cây ăn quả, 40ha trồng lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nông dân xã Đa Tốn nâng cao thu nhập gấp 6 đến 7 lần, đạt từ 300 đến 450 triệu đồng/ha/năm.
“Hiện, UBND xã và cơ quan chức năng huyện đang tập trung hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu tập thể bưởi Đa Tốn với diện tích 60ha, chủ yếu tập trung ở các thôn Thuận Tốn, Khoan Kế”, ông Phương chia sẻ.
Tương tự tại xã Kiêu Kị, sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã có 40ha trồng lúa, 3ha rau màu và 142ha cây ăn quả, hoa cây cảnh... cũng cho thu nhập khá. Triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh, xã có 4 vùng sản xuất rau đã được phê duyệt theo hệ thống PGS, tập trung tại các thôn Gia Cốc, Báo Đáp, Chu Xá, Hoàng Xá và khoảng 20ha trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Báo Đáp… Thu nhập từ cây ăn quả trên địa bàn xã ước tính từ 400 đến 600 triệu đồng/ha/năm.
Những vùng trồng hoa cho giá trị kinh tế cao với thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm. |
Để nâng cao giá trị vùng trồng cây ăn quả, huyện Gia Lâm đã tổ chức lập hồ sơ đăng ký chứng nhận và cấp chứng nhận cho gần 27,2ha vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn. Huyện cũng phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các xã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã Kim Sơn, Đa Tốn, Yên Viên và Dương Xá.
Hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi không chỉ diễn ra tại Gia Lâm mà cũng được tiến hành tại các quận, thị xã khác trên địa bàn thành phố. Hiện nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà người dân huyện Ứng Hòa có cuộc sống ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Viên Nội, năm 2006, trên diện tích gần 1ha, gia đình đã tập trung cải tạo và trồng 500 cây bưởi Diễn. Năm 2013, xã Viên Nội có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình dồn toàn bộ diện tích ruộng, mở rộng trang trại lên 1,5ha.
Ngoài trồng bưởi, gia đình còn trồng thêm 100 cây nhãn chín sớm; tận dụng khoảng đất trống dưới tán cây để nuôi lợn rừng. Nhờ phát triển kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi - trồng trọt, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha.
Còn theo ông Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ): "Năm 2006, khi huyện Chương Mỹ có chính sách chuyển đổi diện tích đất canh tác thiếu nước sang trồng cây ăn quả, giai đoạn đầu, tôi chỉ dám trồng 200m² với 20 cây bưởi Diễn. Nhận thấy cây bưởi Diễn hợp chất đất này, tôi mạnh dạn đầu tư diện tích trồng bưởi lên 7ha như hiện nay, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng/ha"...
Nhiều hộ dân ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đã chuyển đổi vùng đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi |
Đánh giá về hiệu quả của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng Nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với trồng lúa.
Cùng với đó, Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi... Trung bình, các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn gặp khó khăn như: Chất lượng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất quy mô lớn chưa đồng bộ... Do đó, để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành Nông nghiệp cần tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân tại vùng chuyển đổi về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực từng địa phương để phát huy giá trị.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, rau màu...
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |